Tại buổi tập huấn, các đại biểu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nhất là sau khi dịch Covid 19 đã được kiểm soát, người tiêu dùng luôn đặt ra các tiêu chuẩn và yêu cầu về thực phẩm ngày càng cao. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu ngành lương thực, thực phẩm cần liên tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và phải bảo đảm quy trình vận hành theo các yêu cầu, quy định mới về an toàn thực phẩm.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.
Tính riêng trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành lương thực, thực phẩm của thành phố ước tăng 26,9%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.
Để tránh xảy ra các vấn đề liên quan đến pháp lý dành cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm, tại buổi tập huấn, các diễn giả đã tập trung trình bày các nội dung liên quan đến các khung quy định luật thực phẩm tại các thị trường trọng điểm như: EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...
Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp nắm được các thông tin để đưa các tiêu chuẩn quốc tế vào áp dụng tại doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên đầu tư về đổi mới hệ thống quản lý, đào tạo lại đội ngũ, tổ chức lại và quản lý chuỗi sản xuất, tiêu thụ để lấy được các chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu.