Nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết

Đông Nam Bộ đã vào mùa mưa một vài tháng nay. Đây cũng là thời điểm thích hợp để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển và gây dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa chủ động, ý thức người dân về phòng chống dịch bệnh cũng được nâng cao, bệnh sốt xuất huyết ở Bình Phước đã giảm cả ba tiêu chí (số người mắc bệnh, số người tử vong và số địa bàn có dịch).
0:00 / 0:00
0:00
Phun thuốc diệt muỗi tại những địa bàn có nhiều muỗi trú ngụ.
Phun thuốc diệt muỗi tại những địa bàn có nhiều muỗi trú ngụ.

Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều và kéo dài là môi trường lý tưởng cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Nguyên nhân chính làm bệnh này gia tăng là do chủ quan cùng thói quen của người dân khi ngủ không giăng mùng (mắc màn) và không coi trọng việc diệt muỗi.

Trước đây, địa bàn xảy ra bệnh chủ yếu là các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do cơ sở hạ tầng, nhân lực, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng chống và điều trị bệnh còn thiếu thốn, như: Đắk Ơ, Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và Đắk Nhau, Thống Nhất (huyện Bù Đăng)... Đáng chú ý, ý thức của người dân về phòng chống bệnh còn thấp; các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen dự trữ nước trong các chum, chậu, lu mà không đậy nắp kỹ; các dụng cụ gia đình khi dùng xong không úp lại… đã trở thành nơi ẩn ấp của muỗi và loăng quăng, bọ gậy.

Từ thực tế đó, cứ vào đầu mùa mưa, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, đội ngũ y tế thôn bản đã phối hợp các lực lượng đi tuyên truyền các nguyên nhân dẫn đến bệnh sốt xuất huyết và vận động nhân dân triệt xóa các vị trí muỗi có thể trú ngụ và phát triển như: Đổ nước trong các chum, chậu, vật dụng chứa nước đọng và dọn dẹp chung quanh nhà để phòng chống sốt xuất huyết. Bác sĩ Trần Văn Nhân, Trưởng Trạm Y tế xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết: “Xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, lại sinh sống ở khu vực giáp biên giới, giáp rừng nên thường có nhiều chum, lu chứa nước mưa để sử dụng. Trước đây, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao cùng với lối sống, phong tục tập quán còn khá lạc hậu nên tình trạng mắc sốt xuất huyết chiếm tỷ lệ cao hơn các khu vực khác. Xác định đây là nguyên nhân có thể dẫn đến bùng phát bệnh sốt xuất huyết, cho nên đầu mùa mưa chúng tôi cùng các hội, đoàn thể đi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh từ sớm, từ xa. Nhờ đó, số ca mắc sốt xuất huyết giảm dần qua các năm; số ca mắc sốt rét gần như không còn”.

Ông Điểu Mai Giang ở Thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: “Trước đây, người dân không biết cách phòng chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết cho nên số người mắc bệnh nhiều. Sau này được chính quyền, y tế xã, thôn tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, các vật dụng chứa nước được che đậy hoặc thả cá diệt bọ gậy để hạn chế muỗi sinh sôi và ngủ mùng (màn)… nhờ đó, tình trạng mắc sốt xuất huyết ở đây đã giảm rất nhiều”.

Tại thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% số dân. Trước đây, Thiện Cư được xem là “cái rốn” của bệnh sốt xuất huyết. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết của người dân đã được nâng lên. Cùng với đó, chính quyền các cấp hỗ trợ mùng, mền đầy đủ cho đồng bào nên số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm mạnh. Ông Điều Cần, Trưởng thôn Thiện Cư (xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp) cho biết: “Năm năm về trước, năm nào cũng có hơn chục ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Nhờ chính quyền, lực lượng y tế đến tuyên truyền nên các hộ dân cũng dần hiểu, tự chủ động phòng chống dịch bệnh. Mấy năm nay, số người bị sốt xuất huyết đã giảm hẳn, chỉ còn vài trường hợp”.

Bác sĩ Đinh Thanh Nghị, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp chia sẻ: “Ngay từ đầu mùa mưa, chúng tôi đã chủ động phối hợp chính quyền, đoàn thể các xã, thôn, ấp và nhân dân triển khai diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh, phát quang bụi rậm ở khu vực dân cư. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, hướng dẫn người dân các biện pháp để phòng chống dịch. Ngoài ra, ngành y tế luôn chủ động kiểm soát, quyết liệt xử lý khi có dịch bệnh xảy ra”.

Từ đầu năm đến nay, huyện Bù Gia Mập xuất hiện 16 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ. Ngành y tế đã chủ động phối hợp khoanh vùng khống chế dịch kịp thời, hiệu quả, không để lây lan trong cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập cho biết: “Hằng năm, cứ vào giữa mùa mưa thường xuất hiện rải rác các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, nếu không xử lý kịp thời thì rất dễ bùng phát, lây lan. Do đó, mỗi khi phát hiện dịch bệnh, chúng tôi đều tổ chức phun thuốc diện rộng và triển khai lấy dịch tễ để khoanh vùng, khống chế dịch”.

Sáu tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Bình Phước ghi nhận 83 ổ dịch nhỏ với 600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 549 ca so với cùng kỳ năm 2023 và chưa có ca tử vong. Hiện Bình Phước có bảy huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết giảm; bốn đơn vị có số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Phòng chống sốt xuất huyết không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng, mà cần có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và nhân dân; trong đó, việc tổ chức các chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, tập thói quen ngủ mùng (màn) ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay… là biện pháp hữu hiệu phòng chống sốt xuất huyết. Khi phát hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà để tiến đến không còn ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết.