Nâng cao ý thức đề phòng "giặc lửa"

Thời gian gần đây, các vụ cháy chung cư, nhà cao tầng xảy ra tại nhiều địa phương. Hậu quả mỗi vụ cháy để lại đều rất thảm khốc. Từ thực tế, những câu hỏi đặt ra là: Giải pháp nào để có thể chủ động hạn chế đến mức thấp nhất các vụ hỏa hoạn? Việc phổ cập các kiến thức, kỹ năng thoát hiểm, phòng cháy, chữa cháy cho người dân cần triển khai như thế nào cho hiệu quả?
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một tòa nhà ở thành phố Thủ Ðức.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một tòa nhà ở thành phố Thủ Ðức.

Cuối tháng 3/2018, vụ cháy chung cư Carina (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) đã khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Còn tại Bình Dương, cách đây hơn một năm (ngày 6/9/2022), vụ cháy quán karaoke An Phú tại thành phố Thuận An làm 32 người chết và nhiều người bị thương. Ðiều tra vụ cháy này, cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân là do đường dây dẫn điện lắp đặt trên trần gặp sự cố chập mạch. Từ đây, đám cháy lan ra các hướng gây cháy lớn nghiêm trọng. Còn vụ cháy thảm khốc xảy ra mới đây tại chung cư mini trong phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đã trở thành một trong những vụ cháy gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay, khi có đến 56 nạn nhân tử vong, hàng chục người khác bị thương, trở thành nỗi ám ảnh của hàng triệu người khi sự thiệt hại, mất mát quá lớn và không gì có thể bù đắp được.

Thống kê cho thấy, các vụ cháy ở chung cư, nhà cao tầng đều để lại những hậu quả rất lớn, nhất là về tính mạng con người. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các vụ cháy ở các khu vực chung cư, khu dân cư, nhà xưởng... vẫn thường được các cơ quan báo chí đưa tin với số lượng lên đến hàng trăm vụ cháy mỗi năm. Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có hơn 42 nghìn cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Qua khảo sát, các cơ quan chức năng nhận định rất đáng lo ngại bởi tình trạng sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách, không an toàn; việc câu mắc, lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện không bảo đảm dễ dẫn đến các sự cố chập cháy, nổ. Tình trạng chủ quan, lơ là của không ít người dân cũng là nguyên nhân của không ít vụ cháy diễn ra trong thực tế. Thống kê các vụ cháy thì có đến khoảng 70% có nguyên nhân từ việc chập, chạm điện dẫn đến phát lửa và gây cháy.

Một thực trạng khác cũng rất đáng lưu tâm là nhiều cơ sở không trang bị đầy đủ các phương tiện, hệ thống chữa cháy ban đầu hoặc bị hư hỏng do không được bảo dưỡng định kỳ; các nhà cao tầng cho thuê có hầm giữ xe nhưng chủ đầu tư không chú trọng việc thiết kế, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy cũng tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ. Thậm chí, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng còn phát hiện, nhiều chủ đầu tư chung cư đã tự ý đưa vào vận hành khi chưa được các cơ quan chức năng nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy. Ðối với nhiều chung cư cũ trên địa bàn (cư xá Thanh Ða, quận Bình Thạnh), chung cư Nguyễn Thị Nghĩa (Quận 1), chung cư Ngô Gia Tự (Quận 10)... là những thí dụ báo động về hệ thống phòng cháy, chữa cháy đã cũ kỹ, xuống cấp.

Ðể hạn chế đến mức thấp nhất các vụ hỏa hoạn, các cơ quan chức năng cần tham mưu cho thành phố ban hành các quy định về thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy. Ðối với các cá nhân, đơn vị vi phạm cần thực hiện chế tài xử phạt nghiêm khắc, thậm chí, chuyển cơ quan điều tra nếu có biểu hiện cố tình vi phạm; tập trung công tác tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị ý thức đầy đủ về nguy hại của hỏa hoạn để từ đó nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy. Trước những hậu quả nghiêm trọng của các vụ cháy, người dân cần chủ động nâng cao kiến thức, thực hành các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Một khi có sự đồng bộ giữa các cơ quan quản lý; ý thức chấp hành tốt của các chủ đầu tư và sự chủ động của người dân, nhất là không bao giờ lơ là chủ quan với "giặc lửa" thì những thảm kịch như đã xảy ra thời gian qua, chắc chắn sẽ giảm mạnh.