Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC08), trong tháng 9/2022 (Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường), PC08 đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố; tổ chức 103 buổi tuyên truyền với 116.578 học sinh các cấp, sinh viên các trường trung cấp nghề, cao đẳng, đại học và 4.839 thầy giáo, cô giáo tham dự.
0:00 / 0:00
0:00

Ngoài ra, trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, cán bộ cảnh sát giao thông cũng tuyên truyền, giải thích cụ thể từng hành vi vi phạm, hành vi có nguy cơ gây tai nạn giao thông nhằm giúp các em học sinh, sinh viên có sự chuyển biến về nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. PC08 cũng đã tuyên truyền, vận động ban giám hiệu nhà trường ký cam kết trong việc thường xuyên quán triệt đến cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông; vận động nhà trường tổ chức cho cha, mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không giao xe mô-tô, xe gắn máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe...

Những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ PC08 trong thời gian qua được đánh giá cao và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, tình trạng học sinh chạy xe máy phân khối lớn (hơn 50cc), không đội mũ bảo hiểm..., vẫn tái diễn chung quanh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây. Hình ảnh học sinh điều khiển xe gắn máy, xe điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến tại nhiều cung đường dẫn đến các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, từ khu vực trung tâm thành phố đến các quận, huyện khác. Không những chưa đủ tuổi điều khiển xe máy phân khối lớn khi tham gia giao thông, nhiều học sinh còn không đội mũ bảo hiểm hay chở quá số người quy định... Có thể thấy rằng, cha, mẹ học sinh là người có lỗi đầu tiên đối với tình trạng học sinh chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe mà chạy xe máy phân khối lớn để đi học. Cùng với đó, ý thức của học sinh cũng kém khi không tự giác chấp hành pháp luật giao thông mà lại tìm cách né tránh, gửi xe máy ở các bãi giữ xe ở bên ngoài trường học nhằm tránh sự kiểm tra, giám sát của giám thị nhà trường... Cụ thể, trong tháng 9/2022, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố đã xử lý 333 trường hợp vi phạm liên quan học sinh, sinh viên; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 15 trường hợp; tạm giữ 19 xe mô-tô.

Theo các chuyên gia giáo dục, các thầy giáo, cô giáo, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng cho học sinh là vấn đề hết sức quan trọng, giúp hình thành và duy trì được thói quen ứng xử văn minh, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp phòng ngừa được nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, kèm theo những hậu quả đau lòng khác. Vì vậy, các trường học nói riêng, ngành giáo dục nói chung cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền để cho các em học sinh ý thức được nguy cơ, tác hại và hậu quả của việc vi phạm Luật Giao thông. Hình thức tuyên truyền cần được đổi mới, sinh động, hấp dẫn để tránh gây nhàm chán đối với học sinh.

Bên cạnh đó, việc nhà trường cho học sinh, cha mẹ học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định Luật Giao thông đường bộ cũng cần đi vào thực chất hơn, kèm theo những chế tài có tính răn đe cao, gắn chặt với kết quả học tập của học sinh. Chính quyền cơ sở cần chung tay với nhà trường trong việc đề ra giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh gửi xe máy phân khối lớn ở các bãi giữ xe chung quanh trường... ■