Nâng cao thứ hạng bưu chính quốc gia

Năm 2022, Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) của Việt Nam đạt 46,5 điểm, nằm trong nhóm cấp độ 5 các nước có hoạt động bưu chính phát triển tốt. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 4 trong 5 năm liên tiếp (2018-2022), xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng để đạt được thứ hạng cao hơn cấp độ 5 hiện tại, thậm chí là cấp độ 7 trong năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ phận vận hành hệ thống NOC của Viettel Post.
Bộ phận vận hành hệ thống NOC của Viettel Post.

2IPD do Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) đưa ra nhằm đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động bưu chính của các quốc gia. Chỉ số này cung cấp điểm hiệu suất chuẩn (từ cấp độ 1 đến cấp độ 10) theo 4 tiêu chí của sự phát triển bưu chính: Độ tin cậy, khả năng tiếp cận, tính phù hợp và khả năng phục hồi.

Sự phong phú của quá trình hợp nhất dữ liệu giúp 2IPD trở thành phép đo toàn diện nhất đối với các dịch vụ bưu chính trên quy mô toàn cầu.

Doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Là doanh nghiệp bưu chính luôn tiên phong triển khai, ứng dụng khoa học-công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, hiện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đang triển khai khoảng 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng công nghệ vào tất cả các công đoạn chấp nhận, khai thác, vận chuyển, chăm sóc khách hàng, đối soát-thanh toán cũng như quy trình marketing, quản lý, giám sát, đo lường chất lượng,…

Trong đó, Hệ thống phần mềm Bưu chính MPITS chính là dự án công nghệ thông tin có quy mô lớn của Vietnam Post với 11 ứng dụng, 5 nhóm giải pháp nền tảng, kết nối đồng bộ với các hệ thống phần mềm công nghệ như hệ thống quản lý vận tải TMS, hệ thống quản lý kho WMS, ứng dụng tạo và quản lý đơn hàng My Vietnam Post, ứng dụng phát Ding Dong dành cho bưu tá,… MPITS được xem như “con át chủ bài” trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện của Bưu điện Việt Nam.

Thông qua MPITS, toàn bộ các tác nghiệp dù nhỏ nhất của Vietnam Post đều được xử lý tự động, tích hợp kết nối và lưu trữ tập trung dữ liệu thành một hệ thống thông tin đồng nhất. Nền tảng này còn cho phép phân tích, so sánh, đánh giá, thậm chí đưa ra các giải pháp, gợi ý phương thức xử lý theo thời gian thực cùng với các số liệu của thị trường mà hệ thống thu thập được.

Nhờ vậy, Vietnam Post có thể chấp nhận cùng lúc hàng triệu bưu kiện gửi với nhiều phương thức ghi nhận dữ liệu đầu vào linh hoạt, qua đó tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng, rút ngắn quy trình triển khai, vận hành dịch vụ, đồng thời tiết kiệm 90% ấn phẩm nghiệp vụ, giảm 70% tác vụ trong thực hiện các hành vi giao tiếp khách hàng.

Tại Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), việc vận hành Hệ thống điều hành mạng lưới logistics (NOC) từ 8 tháng nay đã giúp bộ phận vận hành của đơn vị giảm hiệu quả thời gian báo cáo mỗi ngày thông qua việc cắt dữ liệu. Cụ thể, việc tổng hợp báo cáo hằng ngày của nhân viên bưu tá giảm xuống còn từ 15-30 phút thay vì phải mất từ 1-2 giờ như trước đây. Việc lấy dữ liệu hiện cũng chỉ mất từ 1-2 phút so với phải mất từ 20-30 phút khi xử lý thủ công do phải tổng hợp nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.

Bên cạnh đó, hệ thống NOC còn giúp các cấp quản lý của Viettel Post xác định được “điểm yếu” trong từng khâu dịch vụ để đưa ra các quyết định kịp thời nhằm rút ngắn thời gian vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ và ngăn ngừa các sự cố bất thường. Việc cảnh báo các vấn đề phát sinh được cập nhật theo thời gian thực, do đó các sai sót sẽ được phát hiện và xử lý ngay.

NOC cũng đã giúp Viettel Post đạt 3 giải vàng tại IT World Awards 2023 - giải thưởng hàng đầu của ngành công nghệ thông tin toàn cầu. Đại diện Viettel Post cho biết, trong năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cấp hoàn thiện NOC, đồng thời bổ sung giao diện trên App để hệ thống dễ dàng sử dụng trong giám sát, điều hành.

Nỗ lực đạt mục tiêu đề ra

Quyết định 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu Việt Nam xếp hạng thứ 40 về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính của UPU, tương đương với cấp độ 6 theo phương pháp đánh giá 2IPD mới.

Quan điểm phát triển trong Quyết định nêu rõ phải “phát triển lĩnh vực bưu chính một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại và huy động tối đa các nguồn lực xã hội”, đồng thời “doanh nghiệp bưu chính phát triển theo hướng thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới”.

Tổng Giám đốc Vietnam Post, Chu Quang Hào cho biết, là doanh nghiệp bưu chính quốc gia, đồng thời là thành viên tích cực trong các Hội đồng, Hiệp hội tại UPU, Vietnam Post luôn nỗ lực triển khai ứng dụng công nghệ mới cùng đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số 2IPD, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao thứ hạng của bưu chính Việt Nam trên trường quốc tế.

Phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của ngành bưu chính Việt Nam, Chuyên gia tư vấn của UPU Jose Anson nhận định: Việt Nam có nhiều tiềm năng để đạt được thứ hạng cao hơn cấp độ 5 hiện tại, cụ thể là cấp độ 6 và thậm chí là cấp độ 7 trong năm 2025. Để làm được điều đó, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp bưu chính cần triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển hạ tầng, chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quan hệ hợp tác, phát triển bưu chính xanh và cải thiện điểm của 4 tiêu chí đánh giá của chỉ số 2IPD.

Chuyên gia Jose Anson cũng khẳng định mối liên quan chặt chẽ giữa chỉ số 2IPD với sự phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia. Đó là khi nâng cao điểm số của tiêu chí “độ tin cậy”, ngành bưu chính sẽ góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động logistics; nâng cao điểm số tiêu chí “khả năng tiếp cận” thông qua phát triển mạng lưới đối tác quốc tế.

Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử và thương mại số; nâng cao điểm số tiêu chí “tính phù hợp” về khả năng cạnh tranh nhanh và mạnh trong lĩnh vực bưu chính, đẩy mạnh hoạt động mua bán hàng thương mại điện tử; nâng cao tiêu chí “khả năng phục hồi”, thể hiện qua việc duy trì, cung ứng ổn định dịch vụ và thích ứng linh hoạt với các “cú sốc” là tiền đề để phát triển bưu chính bền vững trong tương lai.

“Với tốc độ phát triển như hiện nay kết hợp với các giải pháp đã thảo luận, bưu chính Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu xa hơn là tiến lên nhóm 7 cũng như hướng đến phát triển bền vững. Điều quan trọng là cần phát triển lĩnh vực bưu chính để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, hỗ trợ xuất, nhập khẩu cũng như hội nhập kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ”, ông Jose Anson nhấn mạnh.