Nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số trong báo chí, xuất bản

NDO - Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn” được kỳ vọng sẽ giúp đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số trong báo chí, xuất bản, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí, xuất bản ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số báo chí, xuất bản là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của công nghệ số. (Ảnh: minh họa)
Chuyển đổi số báo chí, xuất bản là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của công nghệ số. (Ảnh: minh họa)

Ngày mai (30/11), tại tỉnh Thái Bình, Báo Nhân Dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”. Hội thảo nhằm mục đích làm rõ những vấn đề lý luận chung, phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam thời gian tới.

Chuyển đổi số là một xu thế không thể đảo ngược và báo chí, xuất bản là lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất từ quá trình chuyển đổi số.

Đối với lĩnh vực báo chí, công nghệ số cho phép việc sản xuất, phân phối nội dung nhanh chóng, phạm vi cung cấp thông tin rộng hơn và phù hợp xu thế tìm kiếm thông tin trên không gian mạng của độc giả hiện nay, tiết kiệm chi phí in ấn và vận chuyển.

Ở nhiều quốc gia, việc thực hiện chuyển đổi số, đưa mô hình tin truyền thống sang nhiều định dạng mới bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số không những giúp giữ chân được độc giả cũ mà còn thu hút được nhiều độc giả mới trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhiều thách thức cạnh tranh từ các mạng xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay, nhờ việc thích ứng và có những bước chuyển mình trong bối cảnh chuyển đổi số, không ít báo mạng điện tử tại Việt Nam đã nhanh chóng tạo được sức hút với bạn đọc, đồng thời cho thấy khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng.

Nhiều tác phẩm báo chí ứng dụng công nghệ số và dữ liệu tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, lôi cuốn và tạo cảm giác gần gũi với bạn đọc. Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí cũng hỗ trợ rất nhiều cho các nhà báo, phóng viên, thuận lợi hơn trong việc thu thập thông tin, tiến hành phân tích dữ liệu, sản xuất nội dung…

Đối với lĩnh vực xuất bản, ngành xuất bản thế giới thời gian qua tiếp tục chứng kiến quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ theo các xu hướng: Chuyển sang nội dung số; chuyển đổi kênh phân phối từ trực tiếp sang trực tuyến; tăng khả năng tương tác thông qua các xuất bản phẩm điện tử đa phương tiện; nâng cao khả năng phân tích dữ liệu về độc giả; phát triển các nền tảng xuất bản cho phục vụ nhu cầu xuất bản cá nhân; toàn cầu hóa xuất bản.

Cùng với xu hướng chung của xuất bản thế giới, thông qua Chiến lược Chuyển đổi số ngành xuất bản, quá trình chuyển đổi số xuất bản ở nước ta đã đạt được một số kết quả nhất định từ phát triển công nghệ số hỗ trợ hoạt động xuất bản; phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung đến triển khai hệ thống trợ lý ảo trong biên tập xuất bản…

Có thể khẳng định, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong ngành báo chí, xuất bản mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, cũng đặt ra thách thức và vấn đề cần chú ý liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư, bảo mật thông tin; đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số. Cùng với đó là việc xác định mô hình kinh doanh của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản cho phù hợp môi trường chuyển đổi số, không gian số để không bị lạc hậu, không theo kịp xu thế phát triển của thời đại…

Với mong muốn tạo diễn đàn để các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đơn vị xuất bản trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bàn giải pháp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số báo chí, xuất bản, Báo Nhân Dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Thái Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn”.

Chia sẻ về ý nghĩa của việc tổ chức hội thảo trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ, báo chí, xuất bản trong bất cứ giai đoạn nào đều là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, định hướng thông tin…

Nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số trong báo chí, xuất bản ảnh 1

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy báo chí, xuất bản phát triển, làm tốt chức năng của cơ quan ngôn luận là việc làm cần thiết, và chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, xuất bản là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng.

“Hội thảo diễn ra vào thời điểm này là một hoạt động rất ý nghĩa nhằm kịp thời cụ thể hóa Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; ngành xuất bản “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, ông Nguyễn Thái Bình nhận định.

Với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương và các cán bộ hoạt động thực tiễn tại địa phương, những phân tích, đánh giá và ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ cung cấp những mô hình mới, cách làm hay, kinh nghiệm thực tiễn quốc tế và trong nước phong phú, sinh động, đưa ra những giải pháp phù hợp nhất về chuyển đổi số trong xuất bản và báo chí. Từ đó, góp phần tác động và định hướng chính sách đến các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cung cấp những hiểu biết, bài học quý cho các đơn vị báo chí, xuất bản Việt Nam.

Bên cạnh đó, hội thảo sẽ đưa ra những cứ liệu khoa học để làm sáng rõ các vấn đề then chốt mà lâu nay còn có ý kiến trái chiều như: Chuyển đổi số có tạo ra các sản phẩm báo chí, ấn phẩm xuất bản hấp dẫn hơn hay không? Làm thế nào để tăng doanh thu, lợi nhuận từ công cuộc chuyển đổi số? Đầu tư chuyển đổi số như thế nào là đúng hướng?...

Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, Ban tổ chức kỳ vọng qua hội thảo, các cơ quan báo chí, xuất bản sẽ nắm rõ, hiểu sâu và chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc đầu tư nguồn lực, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường số, đồng thời cổ vũ được sự đổi mới sáng tạo trong hoạt động của từng cơ quan, đơn vị và của toàn ngành.

Đồng thời, hội thảo cũng được kỳ vọng sẽ giúp đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số trong báo chí, xuất bản, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí, xuất bản ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ hơn.