Nâng cao nhận thức về phòng cháy, chữa cháy

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), sáu tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra hơn 2.200 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 45 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền gần 128 tỷ đồng.
Giới thiệu lý thuyết, hướng dẫn các em học sinh cách phòng, chống cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn.
Giới thiệu lý thuyết, hướng dẫn các em học sinh cách phòng, chống cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn.

So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 361 vụ. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra tại khu vực thành thị, trong đó cháy tại loại hình nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong số 1.299 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân, cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 72,9%.

Như vậy, các vụ việc cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh... Một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận, điển hình như vụ cháy nhà trọ tại Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm 14 người thiệt mạng.

Mới đây nhất tại phố Ðịnh Công Hạ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã xảy ra vụ cháy nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm bốn bà cháu thiệt mạng. Những con số đầy thương tâm dấy lên nỗi lo lớn về an toàn tính mạng trong cộng đồng, những thất thoát về tài sản, kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sự phát triển của xã hội. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên là sự hiểu biết chưa đầy đủ, thờ ơ về Luật Phòng cháy, chữa cháy, về kỹ năng cứu nạn, cứu hộ của người dân.

Trong rất nhiều các giải pháp được đề ra, giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) được phổ biến toàn dân, gắn chặt với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được quan tâm triển khai hiệu quả, rộng khắp.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tích cực, chủ động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07) đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương đổi mới phương pháp và biện pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân PCCC và CNCH.

Ðẩy mạnh triển khai nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Ðiểm chữa cháy công cộng”; vận động mỗi hộ gia đình trang bị một bình chữa cháy; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng như sử dụng mã QR, tài khoản Zalo, website của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.

Ðối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hàng hóa bố trí nhiều, dễ cháy; nhiều nơi, hàng hóa ngăn cản lối đi khiến nguy cơ cháy, nổ khi xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Công tác tuyên truyền, trải nghiệm cách thức PCCC và CNCH đang được các cấp, ngành quan tâm. Hiện nay, tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn đã có các Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH hoạt động định kỳ hằng tuần, nơi người dân có thể đăng ký tham gia đa dạng các hoạt động trải nghiệm.

Thiếu tướng Huỳnh Thới An, Phó Cục trưởng C07 cho biết: Các vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong thời gian qua cho thấy, nhận thức, kiến thức, kỹ năng thoát hiểm của người dân còn nhiều hạn chế. Một số trường hợp vi phạm về an toàn PCCC như đầu tư, mua sắm các trang thiết bị PCCC không bảo đảm chất lượng, hoặc không đầu tư bảo dưỡng, bảo trì các thiết bị PCCC đã xuống cấp và hư hỏng.

Ðối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hàng hóa bố trí nhiều, dễ cháy; nhiều nơi, hàng hóa ngăn cản lối đi khiến nguy cơ cháy, nổ khi xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, các chủ hộ tuân thủ nghiêm túc, khi lực lượng chức năng rời đi, hàng hóa lại bịt kín... như cũ.

Mới đây nhất, Cục C07 phối hợp Tổng công ty VTC ký kết và triển khai Chương trình hợp tác “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên nền tảng số VTC”. Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng C07 cho biết, sự hợp tác này là một trong những hình thức đổi mới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH, cũng như trang bị kỹ năng cần thiết cho người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các tình huống cháy, nổ, tai nạn.

Trong vụ cháy chung cư mini xảy ra tại phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tháng 9/2023, Trung tá Kim Thanh Phi, Phòng Tham mưu hành chính của Học viện Phòng không-Không quân nhờ có kiến thức về PCCC và CNCH đã gián tiếp cứu được vợ, con mình do thường xuyên trang bị kiến thức, các thiết bị chữa cháy, cứu nạn tại gia đình. Với sự bình tĩnh, gan dạ, anh Phi cùng lực lượng chức năng cứu và hướng dẫn được nhiều người thoát khỏi đám cháy.

Do thường xuyên được đơn vị trang bị kiến thức về PCCC qua các lần hội thao, hội thi và thực hành huấn luyện về phòng chống cháy, nổ, anh Phi hiểu rất rõ bản chất đám cháy của loại hình chung cư. Do đó, khi từ đơn vị về khu nhà ở, biết vợ con mình đã thoát nạn từ thang dây được trang bị từ trước, anh Phi cùng lực lượng chức năng tiếp cận các hộ gia đình còn lại từ phía sau căn nhà, nơi có các khu vệ sinh và tầng thượng để cứu người.

Anh Phi chia sẻ: “Do có kiến thức về PCCC cho nên tôi hiểu rất rõ bản chất đám cháy của loại hình chung cư. Khi có cháy xảy ra nếu cứ chạy theo lối cầu thang bộ thì khả năng sống sót rất thấp bởi lúc đó cầu thang bộ rất dễ trở thành một ống khói khổng lồ và những người trong đám cháy dễ bị ngạt khói.

Có thể thấy, hầu hết các gia đình thoát nạn trong các vụ cháy, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, phần lớn các thành viên trong gia đình đều có kiến thức nhất định về PCCC. Một số gia đình đã chủ động trang bị các thiết bị thiết yếu về cứu hộ, cứu nạn, đề phòng trong trường hợp khẩn cấp sẽ sử dụng. Chính vì lẽ đó, họ không hoảng loạn mà bình tĩnh để xử lý thoát hiểm, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Do đó, ngoài hệ thống PCCC, việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trường học quan tâm trang bị kiến thức cho cán bộ, nhân viên, học sinh cũng rất quan trọng, bởi nếu có kiến thức, khi gặp nạn, mọi người sẽ bình tĩnh xử lý tình huống, tự cứu mình trước khi chờ đợi lực lượng chức năng đến cứu.