Một trong những nguyên nhân khiến việc sản xuất mía gặp khó khăn là vì vẫn còn một số diện tích trồng manh mún; việc áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí đầu tư trong sản xuất mía còn hạn chế; phần lớn nông dân vẫn sử dụng phân bón với tỷ lệ phân đơn cao cũng như bón chưa đúng kỹ thuật, gây lãng phí và tăng suất đầu tư, tăng giá thành sản xuất mía. Bên cạnh đó là do thiếu hạ tầng thủy lợi, nguồn nước; kinh phí đầu tư để xây dựng hệ thống thủy lợi quá lớn, vượt ngoài khả năng của ngành mía đường cũng như người trồng mía.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, các địa phương cần rà soát điều chỉnh lại quy hoạch và quy mô hợp lý cho mỗi vùng sản xuất theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh; trồng mía ở ruộng lúa canh tác được một vụ gặp khó khăn về nước tưới. Đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống thủy lợi để mở rộng diện tích tưới cho cây mía; tranh thủ các nguồn vốn và tận dụng địa hình để xây dựng hệ thống hồ, đập chứa nước, kênh mương dẫn nước hoặc sử dụng các nguồn nước từ giếng khoan, ao hồ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mía đường chủ trì hoặc hỗ trợ để hình thành các đơn vị cơ giới trang bị các loại máy móc thiết bị phục vụ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch mía. Tăng cường kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho sản xuất, chế biến mía. Đặc biệt là tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực giống, phân bón, luân canh, xen canh, sử dụng phế phẩm, phụ phẩm và tưới nước. Ngoài ra, cần khuyến khích người trồng mía dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất lớn; hình thành tổ, nhóm liên kết sản xuất để thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phương tiện cơ giới vào sản xuất.