Nâng cao năng lực tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh

Nâng cao chất lượng dạy và học tin học trong trường phổ thông giúp học sinh Thành phố Hồ Chí Minh được trang bị kỹ năng sử dụng máy vi tính theo định hướng chuẩn quốc tế. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng cho các em trở thành những công dân toàn cầu, sẵn sàng hội nhập quốc tế, khai thác tốt kho tàng tri thức khổng lồ, cập nhật không ngừng của nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00
Trường trung học phổ thông Nguyễn Du trang bị kỹ năng số cho học sinh. (Ảnh THẾ ANH)
Trường trung học phổ thông Nguyễn Du trang bị kỹ năng số cho học sinh. (Ảnh THẾ ANH)

Tính đến thời điểm hiện nay, có nhiều trường học trên địa bàn thành phố triển khai giảng dạy tin học cho học sinh theo chương trình chuẩn tin học quốc tế. Theo thầy Nguyễn Vi Tường Thụy, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố (Quận 10), ba yếu tố quan trọng khi triển khai chuẩn tin học quốc tế là con người, cơ sở vật chất và sự đồng thuận của phụ huynh. Trong giai đoạn đầu triển khai giảng dạy chương trình tin học theo chuẩn quốc tế, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường không đủ đáp ứng yêu cầu dạy học ba tiết một tuần. Nhà trường đã linh động sử dụng giải pháp xã hội hóa, vận động xã hội hóa đầu tư. Đến nay, việc triển khai thuận lợi, có sự đồng thuận cao của phụ huynh...

Các chuyên gia cho rằng, việc trang bị kiến thức công nghệ thông tin, kỹ năng số giúp học sinh mở rộng cơ hội học tập, tiếp cận các nguồn học liệu, tăng cường khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Học sinh có động lực nội tại để học hỏi, làm chủ việc học của chính mình, có khả năng tự quản lý và theo dõi việc học một cách độc lập, khám phá và duy trì sở thích ngoài chương trình giảng dạy. Đồng thời, học sinh được kết nối để liên tục học hỏi thông qua việc hợp tác với các học sinh khác, với cộng đồng thế giới và với nhiều nguồn thông tin trực tuyến, ngoại tuyến; giúp cho học sinh có thể tham gia vào những trải nghiệm học tập cá nhân hóa, tiếp cận các nguồn học liệu, tham gia các mô hình ảo và khám phá nội dung tương tác trên nền tảng số.

"Việc trang bị kỹ năng số giúp học sinh có khả năng tận dụng công nghệ để học tập, tìm, tra cứu thông tin, tự tư duy, suy nghĩ, đánh giá nội dung, áp dụng và sáng tạo trên nền tảng kỹ thuật số", ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh đang dồn lực xây dựng thành phố sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á; xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; một thành phố học tập, một trung tâm giáo dục-đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực. Do đó, không thể không nhắc đến vai trò của những công dân trẻ tương lai, phải là những công dân thông minh, thành thạo trong việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, sẵn sàng tham gia chủ động, tích cực trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với trọng tâm là phát triển công nghệ thông tin và truyền thông số. Ngành giáo dục và đào tạo hiện có nhiều văn bản xác định, định hướng cho học sinh thành phố học tin học và đạt chuẩn theo định hướng quốc tế. Học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh chính là nguồn nhân lực mà các đề án của Trung ương giao cho thành phố, cũng như của thành phố xác định đến năm 2030 có nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyển đổi số theo định hướng hội nhập toàn cầu. Vì vậy, vai trò của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn này là hết sức quan trọng, phải định hướng, xác định nhiệm vụ rõ ràng trong toàn hệ thống trường phổ thông của thành phố. Đó là phải triển khai và áp dụng chuẩn tin học quốc tế cho các trường học, dù đây là vấn đề mới và khó.

Trong đề án nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn quốc tế, thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2030, các trường học thực hiện theo mô hình trường tiên tiến-hội nhập phấn đấu tất cả học sinh được học và 80% số học sinh đạt chứng chỉ tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, đáp ứng 80% nhu cầu học sinh và 50% học sinh đạt chứng chỉ tin học quốc tế.

Về đội ngũ giáo viên, 100% giáo viên dạy tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình tin học quốc tế theo cấp học; tiếp tục đầu tư nâng cấp, bảo đảm tất cả nhà trường có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, cấu hình máy vi tính đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế...

Để đạt mục tiêu nêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan nâng cao công tác tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, học sinh, toàn xã hội, nhất là các bậc phụ huynh về vai trò của kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin của nguồn nhân lực cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong quá trình hội nhập; đồng thời cập nhật những xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới; sự cần thiết và những lợi ích thiết thực trong việc nâng cao kỹ năng ứng dụng tin học khi học sinh được học một cách hệ thống và đạt các chứng chỉ tin học quốc tế.

Ngoài ra, thành phố từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của ngành giáo dục và đào tạo theo kiến trúc tổng thể, đồng bộ, bảo đảm tính kết nối; phát triển đội ngũ giáo viên tin học, có những chính sách thu hút, hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo các chuẩn quốc tế; đẩy mạnh đưa các chương trình dạy học tin học theo các chuẩn quốc tế vào trường phổ thông, định hướng, khuyến khích học sinh học và thi đạt các chứng chỉ tin học quốc tế.