Mục tiêu tổng quát của Đề án “Nâng cao năng lực thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội giai đoạn 2021-2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) là hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa trang thiết bị nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội.
Đề án tập trung xây dựng đội ngũ công chức thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội “kỷ cương, liêm chính, đoàn kết, chuyên nghiệp”, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của ngành lao động-thương binh và xã hội, hội nhập khu vực ASEAN và hội nhập quốc tế.
Có bốn mục tiêu cụ thể được đề cập trong Đề án này.
Trước hết, hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động cho thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội.
Tiếp đó, 100% công chức tại cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo vị trí việc làm.
Cùng với đó, 100% cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội được trang bị điều kiện làm việc phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước; trang cấp thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, điều tra tai nạn lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, 100% cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Đề án cũng nêu ra mười nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động cho công tác thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội
Thứ hai, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành lao động-thương binh và xã hội giai đoạn 2021-2025.
Thứ ba, nâng cao năng lực đội ngũ công chức thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội.
Thứ tư, đổi mới quy trình, phương pháp thanh tra chuyên ngành lao động-thương binh và xã hội.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ sáu, tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan thanh tra thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội, trang cấp thiết bị chuyên dùng bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động và điều tra tai nạn lao động, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thứ bảy, phối hợp tổ chức công đoàn các cấp, tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm thúc đẩy tình hình tuân thủ pháp luật lao động; phối hợp các bộ, ngành liên quan nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực trong công tác thanh tra chuyên ngành; xây dựng các kênh chia sẻ thông tin, báo cáo chuyên đề về tình hình tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực của ngành lao động-thương binh và xã hội, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong quá trình tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội.
Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia các hoạt động trong khối ASEAN nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ và tuân thủ các cam kết quốc tế.
Thứ chín, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành lao động-thương binh và xã hội thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo, các kênh hỏi đáp trực tuyến hoặc qua thư điện tử.
Thứ mười, thiết lập đội ngũ cộng tác viên có chuyên môn, kinh nghiệm tại các cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành lao động-thương binh và xã hội; có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp thanh tra chuyên ngành cho đội ngũ này.
Riêng trong năm 2021, thanh tra ngành lao động-thương binh và xã hội triển khai 2.067 cuộc thanh tra, tăng 1,77% so với năm 2020. Qua đó, ban hành 8.810 kiến nghị, 424 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 8,2 tỷ đồng; thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 175 tỷ đồng. Ngành đã tiếp hơn 10,2 nghìn lượt công dân; xử lý gần 12 nghìn đơn, thư và giải quyết 381 vụ khiếu nại, tố cáo.