Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Số lượng các tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 3% cuối năm 2020. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam nhỏ so với khu vực; năng lực cạnh tranh và mức độ lành mạnh tài chính của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế. Mức độ an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng chưa bền vững so với các nước trong khu vực. Năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro còn hạn chế; xử lý nợ xấu còn một số khó khăn, vướng mắc... Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, sức cạnh tranh trong thị trường tài chính rất lớn, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thích nghi, tăng cường quản trị rủi ro, giải quyết nợ xấu, kiểm soát rủi ro phát sinh từ chiến lược chuyển đổi số và thúc đẩy văn hóa quản lý rủi ro nhằm đáp ứng các chuẩn mực thông lệ quốc tế và yêu cầu của các cơ quan quản lý.
Chúng tôi nhận thấy, việc thiết lập nguyên tắc quản lý theo mô hình ba tuyến bảo vệ (các đơn vị kinh doanh - phòng, ban chức năng - và bộ phận kiểm toán nội bộ) được áp dụng tại một số ngân hàng hiện nay khá hiệu quả. Tuy nhiên, để đối phó với những thách thức trong quá trình phát triển, hội nhập, để các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, bền vững, cần xây dựng, kiện toàn hệ thống văn bản, chính sách quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế, phù hợp tình hình Việt Nam; tăng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, thúc đẩy các biện pháp giải quyết nợ xấu, phát triển kênh thanh toán không dùng tiền mặt... Ðặc biệt, tăng cường kiểm soát rủi ro trong chiến lược chuyển đổi số, rà soát các lỗ hổng trong các sản phẩm dịch vụ ở tất cả các giai đoạn; thiết lập các chốt chặn, thẩm quyền giao dịch và giám sát tự động các giao dịch, tự động cảnh báo sớm. Riêng đối với các loại rủi ro công nghệ thông tin và an toàn bảo mật, cần được chú trọng, nhận diện rủi ro, kiểm soát rủi ro từ các công đoạn thầu, mua sắm các thiết bị, phần mềm...
Các tổ chức tín dụng cần thúc đẩy, nâng cao văn hóa quản lý rủi ro gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bởi vì suy cho cùng, dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Khi cán bộ nhận thức đầy đủ về vấn đề rủi ro sẽ thay đổi tư duy và hành động trong công tác quản lý rủi ro, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, tính minh bạch của các tổ chức tín dụng; góp phần xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia.
Phạm Thành Lê
(Hoàng Mai, Hà Nội)