Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý ở cấp chiến dịch-chiến lược

NDO - Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, những năm qua, Học viện Quốc phòng Việt Nam đã đào tạo, bồi dưỡng 61 khóa học với hơn 600 cán bộ trung, cao cấp Quân đội nhân dân Lào và 19 khóa học với 271 cán bộ của Quân đội Hoàng gia Campuchia.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi lễ khai giảng.
Quang cảnh buổi lễ khai giảng.

Ngày 4/10, tại Hà Nội, Học viện Quốc phòng Việt Nam tổ chức Lễ Khai giảng Lớp Đào tạo ngắn hạn Chỉ huy-Tham mưu cao cấp chiến dịch, chiến lược Quân đội Hoàng gia Campuchia khóa 20; Quân đội nhân dân Lào khóa 6; Lớp tập huấn ngắn hạn Giảng viên Chỉ huy-Tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược Quân đội Nhân dân Lào khóa 10.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Ngô Trọng Cường, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng nhấn mạnh, quá trình học tập, nghiên cứu tại Học viện, học viên Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia đều được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản, chuyên sâu, cập nhật thực tiễn.

Qua đó, giúp học viên nâng cao tri thức, khả năng tư duy và năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý ở cấp chiến dịch-chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia trong giai đoạn mới.

Việc tổ chức Lớp Đào tạo ngắn hạn Chỉ huy-Tham mưu cao cấp chiến dịch, chiến lược Quân đội Hoàng gia Campuchia khóa 20; Quân đội nhân dân Lào khóa 6 và Tập huấn ngắn hạn Giảng viên Chỉ huy-Tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược Quân đội nhân dân Lào khóa 10 là sự thể hiện những cam kết và thoả thuận hợp tác quốc tế về đào tạo giữa Việt Nam với Lào và Campuchia về quân sự, quốc phòng.

Qua đó nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, gắn bó, tin tưởng giữa ba nước, góp phần giữ vững hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới.

Trong khóa học này, các học viên của hai lớp đào tạo ngắn hạn Chỉ huy-Tham mưu cao cấp chiến dịch, chiến lược Quân đội Hoàng gia Campuchia khóa 20 và Quân đội nhân dân Lào khóa 6 sẽ được nghiên cứu về truyền thống đoàn kết Việt Nam-Campuchia-Lào; về văn hóa chính trị, lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng, quân sự và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam; về nâng cao năng lực tư duy của cán bộ chiến dịch, chiến lược trong thời kỳ mới; về đặc điểm tình hình thế giới và khu vực tác động đến quốc phòng, an ninh những năm đầu thế kỷ 21.

Lớp học nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, gắn bó, tin tưởng giữa ba nước, góp phần giữ vững hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, nghiên cứu về chiến lược một số nước lớn liên quan đến quốc phòng, an ninh khu vực; sự phát triển mới về tác chiến tiến công của quân đội một số nước; phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trong tình hình mới ở Việt Nam; về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ mới...

Ngoài ra, các học viên còn học tập, nghiên cứu thực tế quốc phòng, an ninh, công tác quân sự địa phương và tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam; tập bài về xây dựng quyết tâm phòng thủ trên hướng chiến lược ở địa hình Campuchia, địa hình Lào gắn với từng đối tượng đào tạo...

Đối với Lớp Tập huấn ngắn hạn giảng viên Chỉ huy-Tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược Quân đội nhân dân Lào khóa 10, các học viên sẽ được học tập, nghiên cứu khối kiến thức chung về Khoa học xã hội nhân văn quân sự; khối kiến thức quốc phòng và an ninh; nghệ thuật chiến dịch, quân sự địa phương; kiến thức quân binh chủng-ngành; đặc biệt là khối kiến thức chuyên ngành, trọng tâm đi sâu vào Lý luận dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng bài giảng; chuẩn bị và thực hành giảng bài, thảo luận, tập bài.

Đây là những nội dung hết sức quan trọng và thiết thực góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng sư phạm của nhà giáo quân sự, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo, kết hợp chặt chẽ nội dung, phương pháp và các phương tiện dạy học để không ngừng nâng cao chất lượng dạy học và tư duy nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự ở các nhà trường Quân đội nhân dân Lào trong tình hình mới.

Ngoài ra, các học viên sẽ được đi học tập, nghiên cứu, tham quan thực tế một số địa danh, di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhiều nội dung bổ ích khác. Qua đó, giúp các học viên hiểu đầy đủ hơn về đất nước, truyền thống văn hoá, con người và nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.