Sáng 20/12, tại Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) phối hợp cùng Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm hỗ trợ sinh viên (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức công bố chương trình “Hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam” với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đông đảo học sinh, sinh viên.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam Nguyễn Phan Huy Khôi cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, kinh doanh số đã trở thành một xu hướng không thể bỏ qua. Với Việt Nam, một quốc gia có dân số trẻ và đang trên đà phát triển, kinh doanh số mở ra nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt đối với thanh niên - lực lượng nòng cốt của sự đổi mới và sáng tạo.
Với sự nhanh nhạy và linh hoạt, thanh niên Việt Nam đang dần trở thành lực lượng chủ chốt trong việc thúc đẩy kinh doanh số. Số lượng các startup công nghệ và dự án kinh doanh số do thanh niên sáng lập đang ngày càng tăng, minh chứng cho khả năng sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp và cơ hội vươn mình trở thành những doanh nhân kinh doanh số thành công.
Bên cạnh những lợi thế và cơ hội, thanh niên Việt Nam cũng như các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ đang đối mặt nhiều thách thức như năng lực về nguồn lực tài chính, nền tảng, công nghệ, kỹ năng quản lý, cho đến việc kết nối và hội nhập với thị trường toàn cầu,...
Do đó, chương trình “Hợp tác nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam” là một dự án tổng thể nhằm hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên trên toàn quốc với các nội dung chính như: hỗ trợ tài liệu, pháp lý, chính sách, hệ sinh thái cho các dự án khởi nghiệp; kết nối các nguồn lực hỗ trợ; hỗ trợ công nghệ, tặng phần mềm quản lý, số hóa các hoạt động bán hàng; các chương trình đào tạo, tư vấn xuyên suốt; các sự kiện online, offline kết nối và xúc tiến thương mại,...
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam Nguyễn Phan Huy Khôi cũng cho biết, chương trình diễn ra được hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt chính sách, cách thức triển khai cùng sự đồng hành của các ban, ngành, tổ chức và đơn vị liên quan. Trong đó, một trong những điểm nhấn là việc tạo cơ hội thuê mặt bằng với chi phí ưu đãi tại các cơ sở ươm tạo, cung cấp không gian làm việc chuyên nghiệp và tiện ích. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trẻ tiếp cận nguồn lực và môi trường làm việc chất lượng cao, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển.
Bên cạnh đó, chương trình còn tập trung tư vấn và hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức lớn như: Trung ương Đoàn, Trung ương Hội và các quỹ đầu tư. Sự hỗ trợ toàn diện về sở hữu trí tuệ, nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng và quản trị nội bộ là những yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp trẻ phát triển bền vững,...
Chương trình được triển khai dự kiến sẽ mang lại hiệu quả toàn diện như: Hơn 500 dự án được tiếp cận và nhận được ưu đãi trong việc sử dụng các cơ sở ươm tạo và cơ sở vật chất tại các khu làm việc chung; dự kiến 5.000 tài khoản phần mềm quản lý bán hàng được trao tặng tại mỗi tỉnh thành trong năm 2024, mở rộng sang năm 2025 và tăng trưởng qua các giai đoạn sau, hơn 1 triệu cá nhân, tổ chức nhận gói hỗ trợ phần mềm kinh doanh số,...
“Tất cả những nỗ lực này góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh số và khởi nghiệp, mở ra cơ hội cho thế hệ thanh niên Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số đầy hứa hẹn. Với sự hỗ trợ đúng đắn và chiến lược phát triển toàn diện, thanh niên Việt Nam không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế số của quốc gia mà còn có thể vươn ra thị trường toàn cầu, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh doanh số thế giới” - Giám đốc Nguyễn Phan Huy Khôi khẳng định.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao chương trình, đồng thời khẳng định đây là cơ hội để học sinh, sinh viên khởi nghiệp, thể hiện ý tưởng, đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, việc các công ty, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh sẽ là những cơ hội lớn để học sinh, sinh viên nắm bắt cơ hội và phát triển.
“Với dân số gần 100 triệu người, tỷ lệ doanh nghiệp hiện còn ít sẽ là cơ hội rất lớn để sinh viên khởi nghiệp. Bộ cũng đang rất quan tâm, thúc đẩy các lĩnh vực khoa học-công nghệ, đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch bán dẫn... Tương lai, mong muốn của đất nước sẽ chế tạo chíp bán dẫn, công nghệ sinh học,... Với xu thế rất lớn trong thời gian tới, kỳ vọng học sinh sinh viên quan tâm nhiều hơn nữa tới các lĩnh vực này, đồng thời, thể hiện quyết tâm, nhiệt huyết và giàu ý tưởng để khởi nghiệp, cố gắng đóng góp vào xu thế phát triển mạnh mẽ đó của đất nước...”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.