Nâng cao năng lực, hiệu lực của cơ quan dân cử tại địa phương

Tổ chức và đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã và đang tiếp tục phấn đấu trở thành những cơ quan đại biểu, cá nhân đại diện ngày càng gần gũi đời sống người dân. Với nỗ lực không ngừng đổi mới trong cách thức hoạt động, tổ chức các nội dung giám sát thời sự thiết thực, hoạt động của Hội đồng nhân dân tại nhiều địa phương đã thể hiện rõ tính công khai, minh bạch, dân chủ.
0:00 / 0:00
0:00
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai tiến hành khảo sát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện khu tái định cư Long Phước 3, huyện Long Thành. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai tiến hành khảo sát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện khu tái định cư Long Phước 3, huyện Long Thành. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Hướng đổi mới trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan dân cử ở địa phương cho thấy vai trò rất quan trọng của cơ quan quyền lực nhà nước thật sự pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả là thành tố cốt lõi nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân; góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân.

Bài 1: “Làn gió mới” kích đẩy phát triển

Thực tiễn những năm qua cho thấy, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân đã có những quyết sách quan trọng, bước đi đổi mới, chủ động, sáng tạo trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, được nhân dân ủng hộ.

Các địa phương phấn khởi, đánh giá cao hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó thể hiện rõ vai trò của cơ quan quan trọng này trong việc giám sát, hướng dẫn hoạt động đối với Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ kịp thời ban hành các hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật như Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và nhiều văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương triển khai thực hiện.

Bước tiến vượt bậc, ấn tượng

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 vừa qua, nhiều lãnh đạo các cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố tham gia phát biểu ý kiến đều nhấn mạnh những thành tựu nêu trên, trước hết có sự vào cuộc của Quốc hội trong việc kiến tạo thể chế.

Nhiều Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố là Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo HĐND địa phương đều khẳng định: Bước tiến đổi mới trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội khóa XV với tinh thần “chủ động, sáng tạo, đồng hành, từ sớm, từ xa” là cơ sở để HĐND thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục có những giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

Tại nhiều địa phương trong cả nước, hoạt động giám sát của HĐND năm qua và những năm tới tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, định rõ kết quả, minh định trách nhiệm, tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề được dư luận quan tâm; tăng lượng giải trình, làm rõ vấn đề phức tạp, bất cập; ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tái giám sát.

Tại Đồng Nai, thời gian gần đây, hoạt động của HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, góp phần ngày càng nâng cao năng lực, hiệu quả, nhất là trong thực hiện công tác giám sát. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng cho biết: Cuối năm 2021 đánh dấu lần đầu trong lịch sử HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về kết quả triển khai các dự án có thu hồi đất trên địa bàn.

Đồng chí chia sẻ thêm: Trước đây chỉ các tổ hoặc ban, hay Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề, đột xuất, thì việc HĐND tỉnh ban hành hẳn một nghị quyết để thực hiện công tác giám sát ngày càng được coi trọng của cơ quan dân cử cao nhất tại địa phương.

Qua đợt giám sát chuyên đề, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 24 ngày 8/7/2022 về kết quả giám sát, thẳng thắn chỉ ra hàng loạt những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai các dự án có thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong 2.210 dự án thu hồi đất hơn 16.053ha đất, tỷ lệ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ đạt chưa đến 27%. Trong đó, hủy đến 995 dự án với hơn 7.700ha đất, chiếm tỷ lệ hơn 45% tổng số dự án được thông qua.

Kết quả nêu trên cho thấy, việc lập danh mục các dự án thu hồi đất với số lượng nhiều, nhưng không triển khai sau 3 năm buộc phải đưa khỏi danh mục thu hồi đất chiếm tỷ lệ cao. Cá biệt như hai năm 2015 và 2016, tỷ lệ dự án hủy hơn 81%. Trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện, nghị quyết của HĐND tỉnh nêu ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và huyện, thành phố thực hiện để khắc phục.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai Đặng Minh Đức cho biết, qua đợt giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, đơn vị nhận thấy trách nhiệm của mình cần nâng cao hơn trong tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh các dự án thu hồi đất rà soát, đối chiếu chặt chẽ hơn các quy định của pháp luật và xem xét kỹ lưỡng tính khả thi, tránh trường hợp có địa phương đưa vào hàng trăm dự án thu hồi đất, nhưng chỉ thực hiện vài dự án, gây lãng phí nguồn lực.

“Nếu các địa phương không tính toán kỹ, có tính thuyết phục, chúng tôi không tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh. Chúng tôi chỉ ưu tiên các công trình, dự án quan trọng phục vụ an sinh xã hội, như tái định cư, hạ tầng giao thông và địa phương phải tính toán bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất, thì Sở Tài nguyên và Môi trường mới báo cáo UBND tỉnh xem xét. Hằng năm chúng tôi rà soát từng dự án, sau 3 năm không thực hiện sẽ loại ra khỏi danh mục”, ông Đặng Minh Đức nói.

Năm 2022 đánh dấu thành công của HĐND tỉnh Quảng Ninh trong hoạt động giám sát. Trong năm, thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, triển khai bảo đảm tiến độ 6 cuộc giám sát chuyên đề và 42 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, không báo trước, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời cung cấp thông tin cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung của lãnh đạo tỉnh.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đi vào thực chất, những vấn đề đưa ra chất vấn bám sát thực tiễn, đời sống xã hội và những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thể nhận xét: Bản thân tôi rất ấn tượng với những quyết sách được HĐND tỉnh thông qua. Các nghị quyết được ban hành đều mang tính thời sự, trong đó có nhiều nghị quyết bắt kịp những quy định của Trung ương; nhiều nghị quyết đi sâu vào chính sách phát triển kinh tế-xã hội, có tác động lớn đến lĩnh vực kinh tế và đời sống người dân, được cử tri rất quan tâm.

“Kênh” phản ánh nguyện vọng cử tri

Tại nhiều địa phương trong cả nước, hoạt động giám sát của HĐND năm qua và những năm tới tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, định rõ kết quả, minh định trách nhiệm, tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề được dư luận quan tâm; tăng lượng giải trình, làm rõ vấn đề phức tạp, bất cập; ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tái giám sát.

Những năm trước, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân trên địa bàn thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) chưa được giải quyết thấu đáo, trở thành “điểm nóng” gây bức xúc kéo dài. Trước thực trạng này, HĐND thành phố và các cấp ủy đảng, chính quyền nỗ lực vào cuộc, tuyên truyền, giải thích và vận động người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, sự tiếp thu của chính quyền, các “điểm nóng” về đất đai, giải phóng mặt bằng trên địa bàn đã giảm mạnh, tạo được đồng thuận cao giữa chính quyền và người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Chương, trú tại khu 5, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái cho biết: Sau khi nhận thức và được tuyên truyền, vận động, cá nhân tự nguyện hiến mảnh đất gia đình đã sống ổn định hơn 20 năm, bàn giao cho Nhà nước thực hiện dự án khu đô thị hai bên đường dẫn cầu Bắc Luân II giai đoạn 1.

Với lợi thế là một tỉnh có cơ cấu xã hội phát triển nhanh, linh hoạt, HĐND tỉnh Quảng Ninh thể hiện được tiếng nói đa dạng của các tầng lớp nhân dân; thể hiện trách nhiệm cao hơn trong việc quyết định các vấn đề của địa phương. Qua triển khai thực hiện các nghị quyết đã giúp địa phương chủ động, sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, huy động mọi nguồn lực tạo bước đột phá, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nâng cao năng lực, hiệu lực của cơ quan dân cử tại địa phương ảnh 1

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và HĐND thành phố Hạ Long trực tiếp giải quyết những kiến nghị của người dân phường Bãi Cháy bị ảnh hưởng của dự án. (Ảnh QUANG THỌ)

Tại thành phố Móng Cái, số điện thoại, hộp thư của các cán bộ được niêm yết công khai; phản ánh hiện trường, phản ánh về thái độ phục vụ của cán bộ được công khai trên hệ thống công nghệ thông tin, bất cứ ai cũng có thể chụp ảnh, nhắn tin phản ánh và được phản hồi. “Chúng tôi luôn cầu thị, với quan điểm tiếp nhận “khen” có phát huy, “chê” có tiếp thu để điều chỉnh; có cảm ơn, có xin lỗi và có nhận trách nhiệm; nhất là vai trò của người đứng đầu, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, chịu sự giám sát của dân” - Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Hồ Quang Huy chia sẻ.

Giám sát và giải quyết dứt điểm vấn đề bức xúc trong nhân dân theo đúng luật pháp, bảo đảm an sinh xã hội là trách nhiệm của người cán bộ. Vì vậy, những việc làm có lợi cho người dân trên cơ sở bảo đảm đầy đủ quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn mà pháp luật cho phép. “Đội ngũ cán bộ thực thi công vụ phải nghiên cứu, vận dụng, tổ chức thực hiện vì mục tiêu cuối cùng là vì lợi ích chung, vì nhân dân, vì sự phát triển chung của đất nước...” - đồng chí Hồ Quang Huy nói.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, trở thành một cấu phần quan trọng bậc nhất của quản trị địa phương, nhất là trên các phương diện đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề mang tính địa phương, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương. Với những đổi mới trong hoạt động, HĐND tỉnh Quảng Ninh thể hiện ngày càng rõ là một thiết chế rất quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một bộ phận cấu thành của nền quản trị địa phương hiện đại, dân chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.

Nhiều năm liền, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), trong đó có vai trò rất quan trọng của HĐND các cấp.

(Còn nữa)

Năm 2022, cả nước đã thành lập hơn 1.100 đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cấp tỉnh, tiếp nhận hơn 11.100 kiến nghị, trong đó 8.200 kiến nghị đã được giải quyết (đạt tỷ lệ 73,07%). Thường trực HĐND cấp tỉnh tích cực tham gia, đóng góp rất quan trọng vào kết quả 4 giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Luật Quy hoạch; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

(Theo số liệu báo cáo của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)