Đều đặn ba, bốn năm nay, chị Nguyễn Thị Bích (quận Tân Bình) tháng nào cũng đẩy xe lăn đưa mẹ chồng hơn 60 tuổi đến khám định kỳ tại Bệnh viện Thống Nhất. Mẹ chồng chị bị nhiễm trùng lan rộng do tiểu đường. Gia đình cắt cử thay phiên chăm sóc.
Còn ông Nguyễn Nam (ngụ Quận 10) là bệnh nhân "quen thuộc" của các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất ngay sau khi nghỉ hưu vào năm 2018 đến nay. "Trước đó, tôi bị tiểu đường, viêm gan B. Gần đây, bệnh chuyển sang giai đoạn xơ gan và diễn biến nặng nhanh chóng. Chưa kịp hưởng thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác lại là chuỗi ngày dài gắn liền với bệnh viện", ông Nam nói.
Thầy thuốc Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Ðình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Thống Nhất có 1.200 bệnh nhân nội trú, khoảng gần 4.000 lượt khám bệnh; trong đó, tỷ lệ bệnh nhân hơn 60 tuổi chiếm khoảng 70% và hầu như mỗi ngày đều có ca phẫu thuật, can thiệp với những bệnh nhân hơn 90 tuổi. Khi chăm sóc cho người cao tuổi đòi hỏi nhiều nhân lực hơn, kinh phí nhiều hơn; người chăm sóc người cao tuổi cần phải được đào tạo về kiến thức chuyên môn sâu hơn... "Tốc độ phát triển của y tế hiện nay vẫn chưa theo kịp với tốc độ già hóa dân số. Có thể nói, đây là tình trạng chung của toàn xã hội" - bác sĩ Lê Ðình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết.
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2022, số người cao tuổi (hơn 60 tuổi) của Thành phố Hồ Chí Minh là 1.033.355 người (chiếm tỷ lệ 11,03% dân số). Ðiều này cho thấy, thành phố đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số, chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, tuổi thọ trung bình tăng cao.
Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi chưa theo kịp xu hướng già hóa dân số nhanh hiện nay. Số năm trung bình sống khỏe mạnh của một người cao tuổi chỉ khoảng 64 tuổi, trung bình một người cao tuổi phải sống chung với tối thiểu ba đến năm bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong các quốc gia Ðông Nam Á, tuổi thọ nam giới của Việt Nam đứng thứ năm và tuổi thọ phụ nữ đứng thứ hai. Dù vậy, cuộc sống của người cao tuổi Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tuổi thọ. Mỗi người phải sống trung bình với 10 năm bệnh tật, cao hơn các nước.
Tại tuyến Trung ương chỉ có duy nhất một bệnh viện lão khoa; các tuyến tỉnh, huyện và chăm sóc sức khỏe ban đầu trên toàn quốc chưa kịp đầu tư, chú trọng xây dựng hệ thống bao gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các tỉnh trong cả nước chỉ có bệnh viện tuyến tỉnh trở lên mới có chuyên khoa lão khoa. Cả khu vực phía nam cũng chưa có một bệnh viện chuyên về lão khoa nào. Ðây là điều đáng lo ngại khi tuổi thọ của người dân ngày càng cao và xu hướng bệnh tật đang chuyển từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính. Hơn nữa, tại các tuyến xã chỉ có người khám sức khỏe ban đầu nói chung, không có bác sĩ khám lão khoa riêng, và một số trạm y tế không có bác sĩ.
"Nhu cầu này ở khu vực phía nam đã được đặt ra, đặc biệt ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu rất quan tâm đến vấn đề y học cho người cao tuổi. Thế nhưng, điều cần và mong muốn là có một chiến lược chăm sóc, theo dõi, điều trị cho người cao tuổi phải trở thành một hệ thống hoàn chỉnh", Bác sĩ Lê Ðình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất khẳng định.
Ðó là, hệ thống y học gia đình phải hình thành một nguyên lý hiểu người cao tuổi, theo dõi, chăm sóc tại các hộ gia đình, khu dân cư. Từ sự hình thành ban đầu, các tuyến y tế cơ sở cũng phải xây dựng các cơ sở điều trị cho người cao tuổi, đặc biệt, các khu vực nên có các cơ sở y tế chuyên sâu, hệ thống điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người cao tuổi. Lý do là sau khi điều trị các bệnh lý hoặc là các biến chứng, người cao tuổi cần được chăm sóc ở khối điều dưỡng và phục hồi chức năng. Tại đây, người cao tuổi, người thân sẽ được hướng dẫn giúp phòng bệnh, lối sống dinh dưỡng, đặc biệt là trung tâm phục hồi chức năng như vật lý trị liệu, lao động trị liệu, âm nhạc trị liệu, hội họa trị liệu…
Bác sĩ Lê Ðình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: Một người cao tuổi trung bình mắc ba bệnh, trong đó chủ yếu là bệnh mạn tính: Ðái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ, parkinson, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Do đó, chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần so với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế: Cơ sở y tế (bệnh viện, nhà dưỡng lão, trạm y tế…) và nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa lão khoa). Người cao tuổi hiện tại chủ yếu dựa vào người nhà chăm sóc, thế nhưng nguồn nhân lực này đang ngày có xu hướng giảm đi trong tương lai. Vì vậy, việc tăng cường mô hình chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng là hết sức cần thiết. Ðiều cấp thiết hiện nay là cần xây dựng chiến lược chăm sóc cho người cao tuổi. Không phải đợi khi già mới chăm sóc, mà ngay từ thời còn trẻ, ngành y tế cần làm tốt việc định hướng chăm sóc để quá trình lão hóa khỏe mạnh. Tất cả người cao tuổi cần được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, được chăm sóc y tế; được sống khỏe mạnh, được đóng góp kỹ năng, kinh nghiệm quý báu của mình cho xã hội.