Đến dự chương trình, có ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên...
Trong thời gian 2 ngày, các học viên sẽ được tiếp thu nội dung các chuyên đề như: Khái quát về thương mại hóa và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; thảo luận các cách tiếp cận trong thương mại hóa và lựa chọn tiến trình thương mại hóa.
Các bước trong tiến trình thương mại hóa: Phân tích các nghiệp vụ cần thiết trong tiến trình thương mại hóa; thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng tới tiến trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Phân tích quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; thảo luận các tình huống cụ thể tác động từ các quy định pháp lý tới kết quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Định giá và chuyển giao công nghệ; gọi vốn đầu tư trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nghiên cứu thị trường và thiết lập hội đồng thương mại hóa; giới thiệu về dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu do Bộ khoa học và Công nghệ tài trợ.
Mục tiêu của chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ các học viên cập nhật thông tin, phân tích được các khía cạnh pháp lý trong toàn bộ tiến trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nắm bắt được quy trình các bước thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như nắm bắt được phương pháp xây dựng kế hoạch khả thi về thương mại hóa kết quả nghiên cứu...
Ngoài ra, chương trình đào tạo còn giúp học viên hiểu về chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ là chính sách đầu tư cho phát triển chứ không chỉ là câu chuyện của một ngành, một lĩnh vực, mà dựa trên 3 trụ cột gồm: thể chế, đầu tư, giao quyền và tất cả phải vận hành theo cơ chế thị trường sẽ giúp khoa học công nghệ trở thành động lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế nước nhà.
Từ đó, các học viên hiểu quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ; toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hóa được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học, tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, ưu tiên các nhà khoa học, tác giả kết quả nghiên cứu trực tiếp tham gia thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình; viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp...
Đối với các doanh nghiệp được quyền sử dụng kinh phí từ Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp theo thông lệ thương mại; tăng mức phân bổ ngân sách nhà nước dành cho nhiệm vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, coi đó là khoản tài trợ không hoàn lại cho tổ chức, cá nhân chủ trì, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; tạo cơ chế đột phá cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học...
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp Australia trong xây dựng mạng lưới quốc tế kết nối các chuyên gia, nhà tài trợ và cộng đồng khoa học công nghệ để hỗ trợ phát triển hơn nữa thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam.