Nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất nông nghiệp

Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp; giúp nâng cao sản lượng, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để ổn định và phát triển vùng Ðồng bằng sông Cửu Long theo định hướng chung của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng nuôi cá tra của một doanh nghiệp tại tỉnh Hậu Giang.
Vùng nuôi cá tra của một doanh nghiệp tại tỉnh Hậu Giang.

Nhiều năm qua, chị Ðỗ Thị Xuân Diệu (ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ), Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Dika Happy đã nghiên cứu, chế biến lê-ki-ma sấy dẻo, bột lê-ki-ma bán ra thị trường.

Ðể có hướng tiêu thụ, chị Diệu đem sản phẩm đến các phiên chợ nông sản quảng bá. Ðược không ít khách hàng ưa thích, nhưng nhìn chung, sản phẩm của Công ty Dika Happy vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Quỹ đất và vùng nguyên liệu bảo đảm vẫn là bài toán khó và để sản phẩm được tiêu thụ trong nước, xa hơn là xuất khẩu là điều chị Diệu băn khoăn. Còn bà Trần Thị Liễu (xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) là người trồng thành công loại dưa Kim Hồng Ngọc trên đất lúa.

Vụ dưa Tết Nguyên đán năm 2024 vừa qua, 7 ha dưa Kim Hồng Ngọc đã mang về cho gia đình bà Liễu khoản lợi nhuận 380 triệu đồng. "Mặc dù đã có được thành công bước đầu, nhưng gia đình tôi không ai có chuyên môn về marketing, quảng bá sản phẩm dẫn đến tiêu thụ bị hạn chế. Chưa kể sau này không biết điệp khúc "được mùa mất giá" có xảy ra với loại dưa này? Về khoa học-kỹ thuật, vẫn là tôi tự mày mò, cho nên để bảo đảm năng suất ổn định cũng không dễ", bà Liễu chia sẻ.

Ðồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước. Ðây cũng là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết sẽ là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, những hạn chế về hạ tầng, nhất là giao thông, logistics và thiếu năng lực quản trị chuỗi cung ứng, liên kết kinh tế không chặt chẽ đang là một trở lực lớn cho phát triển kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thiếu nguồn giống chất lượng. Công nghệ kỹ thuật và năng lực quản lý của người sản xuất cũng chưa cao.

Theo ông Ðặng Xuân Yến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Cần Thơ, hiện nay Ðồng bằng sông Cửu Long đã dần hình thành chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ. Các doanh nghiệp cũng ý thức được vai trò của chuỗi liên kết để từ đó có sự phối hợp chặt chẽ, tránh bị đứt đoạn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao và bền vững phải là quá trình lâu dài. Nhiều doanh nghiệp chưa biết cách áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và chưa tận dụng được thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng các thiết bị thông minh, cảm biến được nối với điều khiển tự động…

Nhiều chuyên gia cho rằng, xu thế liên kết trong lĩnh vực nông sản vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị, liên kết ngành và cụm ngành, liên kết sản xuất-chế biến, liên kết tới thị trường tiêu thụ, liên kết giao thông vận tải và logistics, liên kết bằng công nghệ thông tin. Trong đó, đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng Ðồng bằng sông Cửu Long là vấn đề dài hạn cần được quan tâm, có chiến lược hài hòa, đầu tư kết hợp ngắn, trung, và dài hạn.

Trước mắt, cần thúc đẩy hoạt động kết nối thị trường để tăng doanh thu, thu nhập. Việc kết nối bằng công nghệ sẽ đem lại hiệu quả cao nhất do chi phí thấp và hiệu quả nhanh hơn. Ngoài ra, cần triển khai nhiều biện pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuỗi cung ứng và logistics chất lượng cao tại khu vực để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai.

Việc tập trung phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đủ mạnh, nhất là các doanh nghiệp liên kết hiệu quả với thị trường quốc tế cũng rất cần thiết. Bà Lê Hoàng Oanh, đồng sáng lập Cộng đồng xuất khẩu thông minh (Smart Hub) cho rằng: Hiện nay, ngoài những vấn đề sản xuất, chế biến để đáp ứng thị trường quốc tế, việc quảng bá thương hiệu toàn cầu, thúc đẩy marketing quốc tế và nâng cao thành tích xuất khẩu vẫn là bài toán không hề dễ dàng với các doanh nghiệp tại Ðồng bằng sông Cửu Long. Truyền thông số toàn cầu, trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu lớn, thương mại điện tử xuyên biên giới, truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng bằng công nghệ blockchain và công nghệ đám mây…, gọi chung là xúc tiến xuất khẩu thông minh sẽ là "chìa khoá vàng" để nâng cao thành tích xuất khẩu. Các cơ quan chức năng, tổ chức hỗ trợ kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường hơn nữa các giải pháp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trong đó có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An-Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.

Hai dự án này sẽ góp phần tăng cường năng lực hạ tầng vận tải thủy nội địa tới Cần Thơ; tăng cường kết nối cung cầu, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực, năng suất sản xuất... Việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng, hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề chính là tăng cường liên kết trong các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự phát triển bền vững lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại Ðồng bằng sông Cửu Long để biến mong mỏi của người dân, doanh nghiệp nơi đây thành hiện thực.