Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Patrick Haverman, Phó Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi làm rõ các vấn đề: Phòng, chống tham nhũng được xác định là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tập trung, thống nhất của Đảng với quyết tâm cao, hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã hoạch định và ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó có chủ trương thúc đẩy quá trình tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
Thực tiễn hợp tác tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản tham nhũng và kết quả hoạt động hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác quốc tế và những kiến nghị, đề xuất…
Những vấn đề đặt ra trong thực tiễn
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (phòng, chống tham nhũng tiêu cực) đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Trong đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhiều chuyển biến rất tích cực.
Theo báo cáo nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên đáng kể; nếu như trước năm 2012, tỷ lệ là hơn 10% thì giai đoạn từ 2012 đến 2022 đạt tỷ lệ hơn 34%. Đạt được kết quả đó có nhiều nguyên nhân như: Các cơ quan chức năng đã chú trọng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra, xác minh các vụ việc, vụ án tham nhũng để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản ở nước ngoài; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra...
Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua được đánh giá là có những bước tiến đáng ghi nhận. Thông qua hợp tác quốc tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có thêm điều kiện thuận lợi để thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng, truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng luôn là vấn đề gặp nhiều khó khăn, phức tạp, bởi số tiền tham nhũng thường bị thất thoát hoặc bị chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Vẫn còn tình trạng quan chức trốn ra nước ngoài, tẩu tán tài sản ra nước ngoài nhưng việc truy bắt, xử lý tài sản còn chậm. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy có tăng lên nhưng còn thấp so với số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Nguyên nhân là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan có việc còn lúng túng. Thời gian thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam còn kéo dài; nhiều trường hợp kết quả tương trợ chưa được như mong muốn. Việc thực hiện yêu cầu tương trợ về truy tìm, kê biên, phong tỏa, trả lại tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; trách nhiệm, thẩm quyền thực hiện những yêu cầu này chưa được xác định cụ thể, rõ ràng. Khuôn khổ pháp luật còn hạn chế như quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản phạm tội nói chung và tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài nói riêng chưa được phản ánh đầy đủ, rõ ràng trong các quy định của pháp luật...
Do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu các quy định về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản, nhất là những vấn đề mới đặt ra để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
Cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, UNCAC đã dành riêng chương V quy định về thu hồi tài sản với những điều khoản quan trọng, đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên trong việc triển khai áp dụng một cách nghiêm minh và có hiệu quả trên địa bàn lãnh thổ quốc gia mình. Cho nên, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng để tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật trong công tác này là cần thiết.
Việc xây dự báo cáo và tổ chức Hội thảo “Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam” là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thiết thực giúp cho các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thêm thông tin, tài liệu để nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách và hướng dẫn thực hiện cụ thể các vấn đề liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng nói chung và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.
Hiện nay, với tư cách là thành viên của UNCAC, nước ta đã xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp với các yêu cầu của Công ước và đã đạt được những thành tựu nhất định; đồng thời chủ động, tích cực tham gia Cơ chế rà soát thực thi UNCAC của Liên hợp quốc trong chu kỳ đầu tiên (2010-2015) và đang tham gia Cơ chế rà soát chu kỳ II.
Vì vậy rất cần phải rà soát tổng thể, toàn diện khung khổ pháp lý về thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản nhằm đánh giá mức độ tương thích giữa các quy định hiện hành của Việt Nam với các quy định tại Công ước, cũng như đánh giá mức độ phù hợp của quy định pháp luật hiện nay so với những đòi hỏi thực tế để phục vụ quá trình hoàn thiện thể chế, pháp luật của chúng ta.
Theo Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước cho thấy trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, nhiều thách thức lớn đang đặt ra đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.
Cụ thể như, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán gặp rất nhiều khó khăn khi mà vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện. Những đối tượng rửa tiền, tẩu tán tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp ngày càng có trình độ cao về công nghệ thông tin, phạm vi hoạt động rộng, có thể thực hiện hành vi phạm tội ở nhiều khu vực trong một quốc gia hoặc xuyên quốc gia, có tính tổ chức cao với thủ đoạn phạm tội ngày càng khó lường. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là cần phải đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ngân hàng, tài chính, thuế, hải quan, chứng khoán...
Thu hồi tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp là một lĩnh vực hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách là những chuyên gia có trình độ, kiến thức pháp luật tốt, bao gồm cả pháp luật trong nước, pháp luật quốc tế và pháp luật nước ngoài, có trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực này, đặc biệt cần phải có kiến thức chuyên biệt, nghiệp vụ chuyên môn về một số lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, thuế, hải quan, chứng khoán... Do vậy, cần chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ chuyên trách nghiên cứu, đàm phán, ký kết điều ước quốc tế và vận dụng pháp luật quốc tế trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Cùng với đó, cần đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng tiêu cực và giữa những cơ quan này với các bộ, ngành có liên quan.