Quyết liệt hơn nữa trong thu hồi tài sản tham nhũng

Trong những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng, phạm tội đã được áp dụng đồng bộ. Đây cũng là nội dung quan trọng được dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân rất quan tâm trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Phan Quốc Việt. Ảnh: báo Tuổi Trẻ.
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Phan Quốc Việt. Ảnh: báo Tuổi Trẻ.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua năm hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, trong đó, đối tượng Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã chi gần 30 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương. Đáng chú ý, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến... Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi…; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để bảo đảm thu hồi cho Nhà nước. Liên quan vấn đề nêu trên, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng, phạm tội đã được áp dụng đồng bộ. Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê khai tài sản phong tỏa tài khoản của các đối tượng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng, phạm tội; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước. Đây cũng là nội dung quan trọng được dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân rất quan tâm trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số tiền thu hồi  lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng xấu quá trình thi hành án. Trong một số vụ án, vẫn xảy ra trường hợp đối tượng trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn…

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, nâng cao  tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, qua đó khẳng định chất lượng, hiệu quả và quyết tâm thực hiện phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn do các đối tượng tham nhũng và phạm tội hoạt động ngày càng tinh vi, thực hiện nhiều thủ đoạn nhằm che giấu, tẩu tán tài sản. Chính vì vậy, nhiệm vụ kịp thời điều tra, thu hồi tài sản của tội phạm tham nhũng, kinh tế cần tiếp tục được đặc biệt quan tâm triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp sai phạm liên quan công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án.

Tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành án. Trước thực trạng, các đối tượng phạm tội  tìm nhiều cách tẩu tán tài sản, thậm chí ra cả nước ngoài, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự;  tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài  thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự từ phía Việt Nam về thu hồi tài sản tham nhũng. 

Một nội dung quan trọng khác cần được đặc biệt quan tâm đó là các cấp, các ngành cần chú trọng nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó,  phải có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.

Để tham gia góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng nêu trên, Thanh tra Chính phủ cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng và cần sớm được nghiên cứu và triển khai trong thực tế cuộc sống.