Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em

Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là với đối tượng thanh thiếu niên. Trước tình trạng thời gian gần đây các vụ xâm hại trẻ em đang gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, nhu cầu được trợ giúp pháp lý của trẻ em càng trở nên quan trọng và cần thiết. Từ đây đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2023 cả nước xảy ra hơn 1.800 vụ xâm hại trẻ em, tăng 41,88% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ tăng về số vụ mà mức độ của các vụ việc xâm hại trẻ em cũng có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, nhất là xâm hại về tình dục và bạo lực, gây nhiều hệ lụy đau lòng cho trẻ về cả thể chất và tinh thần.

Giữa tháng 4/2024 vừa qua, sự việc bé gái 12 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai và sinh con đã tiếp tục dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận xã hội. Có thể thấy, do nhiều thách thức khác nhau, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác phòng ngừa, kiểm soát còn nhiều bất cập, chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Vẫn còn một số lượng không nhỏ các vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em chưa được giải quyết triệt để, bị tồn đọng kéo dài.

Trước tình hình đó, trợ giúp pháp lý cho trẻ em là nhu cầu cấp thiết bởi đây là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, chưa có khả năng tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ khi vướng vào một vụ việc cần sự can thiệp của luật pháp. Trợ giúp pháp lý sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các em, góp phần thiết thực bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Quan trọng hơn, trợ giúp pháp lý không chỉ giúp trẻ trong giải quyết các vụ việc cụ thể mà còn giúp các em nâng cao hiểu biết, trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước những sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi xâm hại đến tính mạng, danh sự và sức khỏe của bản thân.

Trên bình diện quốc tế, quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em được quy định rõ ở các văn kiện như: Hướng dẫn của Liên hợp quốc về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các văn kiện quốc tế khác. Nội dung này được nhiều quốc gia quan tâm, thực hiện.

Tại Việt Nam, các văn kiện quốc tế về quyền trợ giúp pháp lý cho trẻ em đều được tuân thủ nghiêm ngặt, đồng thời, được nội luật hóa để phù hợp với thực tiễn. Cụ thể theo Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trẻ em là một trong những đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí. Luật cũng quy định tất cả trẻ em (bao gồm cả trẻ em không nơi nương tựa) đều được trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 cũng bổ sung một số đối tượng so với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 như: Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có khó khăn về tài chính, là bị hại trong vụ án hình sự... Đồng thời Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam cũng nêu rõ: Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Cùng với đó, nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chức năng, trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… triển khai các nội dung về trợ giúp pháp lý cho trẻ em đã được ban hành như: Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng, chống mua bán người; hoạt động trợ giúp pháp lý nhân tháng hành động vì trẻ em, phòng chống bạo lực, phòng chống mua bán người…

Như vậy, về cơ bản, hệ thống văn bản về trợ giúp pháp lý cho trẻ em đã tạo cơ sở pháp lý tương đối vững chắc cho hoạt động này. Qua đây cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, phát triển các chính sách để hỗ trợ người yếu thế, nhất là trẻ em.

Việc nỗ lực bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý của trẻ em còn cho thấy rõ mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền trẻ em nói riêng, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói chung. Đây cũng là một phần quan trọng của chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa và an sinh xã hội của Việt Nam. Quan trọng hơn, nỗ lực bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý không chỉ được thể hiện ở hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật mà còn được cụ thể hóa trong các giải pháp và hành động thực tiễn.

Thống kê của Cục Trợ giúp pháp lý cho thấy, từ năm 2008 đến hết năm 2023, số vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em ngày càng tăng lên, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lượt người được trợ giúp pháp lý. Cụ thể, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã cung cấp dịch vụ cho hơn 20.000 lượt trẻ em, trong đó khoảng 14.000 vụ việc tham gia tố tụng. Về chất lượng, các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em đều được cải thiện, đạt mức độ khá và tốt, có nhiều vụ việc được đánh giá thành công, hiệu quả.

Đáng nói là nhiều quan điểm, lập luận bào chữa, bảo vệ của người thực hiện trợ giúp pháp lý được công an, viện kiểm sát, tòa án ghi nhận trong quá trình giải quyết vụ việc. Đặc biệt, nhiều vụ việc nổi cộm được báo chí đưa tin, dư luận xã hội quan tâm mà nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, bị mua bán đã được chủ động tiếp cận, thực hiện trợ giúp pháp lý. Những kết quả bước đầu này không chỉ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ việc một cách tốt nhất mà còn tạo được lòng tin trong nhân dân về chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước dành cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Dù vậy, thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em hiện vẫn còn không ít bất cập, khó khăn. Đó là tình trạng một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật nói chung và về quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em nói riêng. Không chỉ nhiều trẻ em, mà ngay cả người lớn, do thiếu quan tâm hoặc chưa chủ động cập nhật thông tin, nên không biết đến quyền được trợ giúp pháp lý dành cho trẻ em.

Bên cạnh đó tâm lý e ngại, sợ hãi của gia đình nạn nhân và chính nạn nhân trong các vụ việc xâm hại trẻ em (nhất là các vụ việc xâm hại tình dục) cũng gây không ít trở ngại cho đội ngũ hỗ trợ pháp lý trong việc tiếp cận thông tin. Do đó, thông tin về một số vụ việc xảy ra chưa được chia sẻ kịp thời, đầy đủ, ảnh hưởng tới việc phát hiện và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Mặt khác, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… trên thực tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Phần lớn phương thức truyền thông vẫn theo cách làm cũ, còn đơn điệu, ít có sự đổi mới nên chưa thu hút được sự quan tâm của trẻ cũng như gia đình các em. Một số cán bộ làm công tác hỗ trợ, phối hợp và trợ giúp pháp lý còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với trẻ em, nhất là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ bị xâm hại, bị mua bán…

Ngoài ra, vì nhiều lý do khác nhau, việc chuyển, gửi vụ việc từ các cơ quan, tổ chức có liên quan đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đôi khi chưa được thường xuyên, đầy đủ và kịp thời, dẫn đến nhiều tình trạng thiếu sót, tồn đọng trong quá trình tiếp nhận, xử lý vụ việc.

Cần khẳng định rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm quyền của trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc cũng là bảo đảm cho tương lai phát triển bền vững của đất nước. Trước đòi hỏi ngày càng cấp bách của thực tiễn, công tác trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý cho trẻ em nói riêng cũng đặt ra yêu cầu phải đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý, nhất là đối với trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân. Cùng với đó, cần đổi mới, đa dạng hơn về nội dung, hình thức tuyên truyền, tận dụng các phương tiện truyền thông mới.

Một trong các yếu tố quan trọng để phát huy hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý là phải bảo đảm trẻ em có thể tiếp cận sớm nhất với các dịch vụ trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Để làm được điều này, cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp nhiều hình thức liên lạc như: Địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng, email tiếp nhận, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý để họ biết và liên hệ khi có vướng mắc về pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc giải thích, thông tin, thông báo về các trường hợp liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, trẻ vi phạm pháp luật tại địa phương để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trước nhu cầu ngày càng tăng của các vụ việc cần trợ giúp pháp lý, phải tiếp tục nâng cao số lượng cũng như năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm cung cấp dịch vụ kịp thời, có chất lượng.