Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là cẩm nang trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề rất cốt lõi để xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh

Tác phẩm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là sự tổng kết thực tiễn phong phú rút ra những vấn đề có tính lý luận và các bài học kinh nghiệm quý để củng cố thêm bản lĩnh, sức mạnh và niềm tin; định hướng giải pháp thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Trên mặt trận này, Trung ương đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, với chức năng chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Có thể thấy, hơn một năm qua, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao. Số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, góp phần quan trọng khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”...

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ diện Trung ương quản lý. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 165.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2022); kiến nghị xử lý 784 tập thể, 2.912 cá nhân. Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án đã chuyển hơn 320 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh cho thấy, tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp. Một số nhiệm vụ, mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều tỉnh, thành phố thực hiện thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao... Từ đó, thiết nghĩ trên mặt trận này cần quán triệt quan điểm của Tổng Bí thư là: Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Từ đó cũng đặt ra yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đầu tư công; quản lý, sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; hoạt động đấu thầu, đấu giá, chứng khoán; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện các chủ trương, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19...; khẩn trương hoàn thành thanh tra, giám sát các chuyên đề theo kế hoạch của Ban chỉ đạo.

Cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; kiên quyết khắc phục tệ nạn “tham nhũng vặt”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.