Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Chiều 18/4, tại Hà Nội, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Tư pháp.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã tham gia có trách nhiệm vào việc tham mưu xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và hiện đang trình Chính phủ cho ý kiến về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; tham mưu xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; tham mưu thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu, định hướng chính sách, nhiệm vụ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Từ năm 2021 tới nay, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022, 2023, 2024; trình Quốc hội thông qua 16 luật và 8 nghị quyết với tỷ lệ cao (trên 90%)…

Trong thời gian tới, bộ tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Bộ chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thời, triển khai thực hiện “Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật” ngay sau khi được Bộ Chính trị ban hành. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành tư pháp.

Từ năm 2021 tới nay, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022, 2023, 2024; trình Quốc hội thông qua 16 luật và 8 nghị quyết với tỷ lệ cao (trên 90%)…

Bộ cũng sẽ tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật; chú trọng xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

Tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Chủ động tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế phù hợp với định hướng đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các quy định, quy chế trong hoạt động đối ngoại, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao và nâng cao vị thế, vai trò của Bộ Tư pháp trong các mối quan hệ quốc tế…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong năm 2023 và định hướng đến hết nhiệm kỳ mà Bộ Tư pháp đề ra.

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và nhiệm vụ của ngành, Bộ Tư pháp cần tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng bộ, khả thi, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả.

Bộ Tư pháp chú trọng rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội. Phát huy cơ chế giải thích pháp luật; tăng cường công tác quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.

Bộ cũng cần tập trung tham mưu giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật nói chung, chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương nói riêng; tham mưu giải quyết các tranh chấp quốc tế liên quan đến Việt Nam.