Ðóng góp lớn cho nông nghiệp, nông thôn
Thực hiện đường lối đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển nhanh, đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, tự cung, tự cấp, quy mô vừa và nhỏ đã vươn lên thành một nước có nền nông nghiệp hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, trở thành một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu gạo, cà-phê, hồ tiêu, thủy sản... trên thị trường quốc tế.
Kể từ năm 1993, khi Chính phủ ban hành Nghị định 13/NÐ-aCP về công tác khuyến nông, khuyến ngư, hệ thống khuyến nông nước ta đã hình thành, được củng cố và ngày càng phát triển. Tính đến cuối năm 2011, tổng số cán bộ, khuyến nông viên ở các địa phương trong cả nước là 34.747 người, bình quân cứ 280 hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp có một cán bộ khuyến nông; riêng ở cấp xã, mạng lưới khuyến nông viên cơ sở đã có 11.232 người, tăng 21% so với năm 2010.
Với nhiệm vụ chuyển giao toàn bộ những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho nông dân, chuyển tải kịp thời mọi chủ trương, đường lối, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của Ðảng và Nhà nước..., hệ thống khuyến nông góp phần tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, và hơn thế còn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển nông thôn mới. Trong giai đoạn 2006-2010, thông qua các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện hàng loạt chương trình khuyến nông có ý nghĩa cho sản xuất ở hầu khắp các vùng, miền, thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia. Trong lĩnh vực trồng trọt, các chương trình: sản xuất hạt giống lúa lai, thâm canh tổng hợp lúa chất lượng, chuyển đổi cơ cấu và luân canh tăng vụ cây trồng, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, hoa chất lượng, cây công nghiệp dài ngày; chăn nuôi lợn hướng nạc, cải tạo đàn bò, chăn nuôi bò sữa năng suất cao, chăn nuôi gia cầm an toàn, nuôi ong chất lượng cao. Trong lĩnh vực thủy sản: các chương trình nuôi tôm sú, phát triển nuôi thủy sản mặn lợ, nước ngọt, phát triển giống thủy sản và các chương trình khuyến lâm khác...
Thiếu động lực thúc đẩy các nhiệm vụ khuyến nông
Thực hiện Nghị định số 02/ NÐ-CP (ngày 8-1-2010) về khuyến nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng được các dự án khuyến nông mang tính trọng điểm, liên vùng với thời gian thực hiện dài hơi hơn (từ hai đến ba năm). Song, công tác này vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định như gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển mạng lưới khuyến nông cơ sở, cũng như tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Mặc dù hệ thống khuyến nông nước ta được phân thành hai cấp: Trung ương nắm đầu mối quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), còn ở địa phương có Trung tâm khuyến nông (cấp tỉnh), trạm khuyến nông (cấp huyện) rồi đến khuyến nông viên cơ sở. Song, việc phân công nhiệm vụ trong quản lý và triển khai hoạt động khuyến nông tại trung ương còn chồng chéo và phân tán. Cùng với Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là đầu mối quản lý nhà nước ngành khuyến nông, thì từng lĩnh vực cụ thể lại giao cho các đơn vị khác trong Bộ (như tổng cục, cục chuyên ngành) quản lý, do đó sẽ không tránh khỏi quá tải về nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động. Ở một số nơi, khuyến nông địa phương chỉ tham gia mang tính chất phối hợp chứ chưa đóng vai trò chủ trì nên chưa phát huy hết sự chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình. Mặc dù kinh phí khuyến nông hằng năm có tăng nhưng mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông chưa được đầy đủ và phù hợp, nhất là kinh phí hỗ trợ cho cán bộ khuyến nông còn thấp cho nên chưa khuyến khích được lực lượng khuyến nông, nhiều đơn vị chưa thật sự bắt tay vào cuộc. Hiện vẫn còn 11 tỉnh, thành phố chưa có mạng lưới khuyến nông viên cơ sở cấp xã và ở một số tỉnh vẫn còn chưa đủ số lượng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, ở những địa phương không tham gia các chương trình khuyến nông T.Ư, thì nguồn kinh phí khuyến nông từ ngân sách địa phương rất hạn chế, thậm chí một số địa phương được tiếp cận quá ít kinh phí khuyến nông hỗ trợ của nhà nước (cả Trung ương và địa phương). Chưa kể đến mức hỗ trợ khuyến nông quy định chặt chẽ trong khi đơn giá vật tư thay đổi liên tục cũng gây không ít khó khăn cho việc bảo đảm tiến độ cũng như thành công của các mô hình trình diễn.
Ðổi mới bằng những giải pháp đồng bộ
Ðể nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, đáp ứng yêu cầu mới của nền nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, trước hết các chương trình, dự án khuyến nông T.Ư cần đổi mới cả về nội dung và phương thức tổ chức thực hiện sao cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn đối với hệ thống khuyến nông ở từng địa phương. Ðối với những cơ chế, chính sách khuyến nông T.Ư còn bất cập cần kịp thời sửa đổi và bổ sung. Ðối với hệ thống khuyến nông các địa phương cần chủ động đề xuất, tham gia đấu thầu các dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tăng cường sự quản lý, giám sát các hoạt động khuyến nông trên địa bàn, đồng thời hệ thống tổ chức các cấp cần được xây dựng, củng cố và phát triển thống nhất, đồng bộ từ T.Ư tới địa phương. Với Trung ương (đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần phối hợp các bộ, ngành hữu quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét việc kiện toàn đầu mối thống nhất thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khuyến nông theo Nghị định 02/2010/NÐ-CP, có hướng dẫn quy chế tuyển chọn, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và cơ chế, chính sách đối với mạng lưới khuyến nông cơ sở. Ở các địa phương, cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hoạt động, có cơ chế, chính sách phù hợp với từng vùng, nhất là chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ khuyến nông viên cấp xã và cộng tác viên cấp thôn, bản. Bên cạnh đó, tổ chức khuyến nông các cấp cần lựa chọn nội dung phù hợp để hướng nông dân tập trung vào những lĩnh vực sản xuất có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng, miền; tránh làm theo phong trào, phát triển sản xuất hàng hóa phải gắn với thị trường, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Các cơ quan, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khuyến nông, nhằm huy động, thu hút nguồn lực, phương pháp và kinh nghiệm hoạt động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia hoạt động, nhất là từ các doanh nghiệp theo ngành hàng, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ.