Đây là chia sẻ của TS Bùi Tuấn Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Tài chính, về nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khen thưởng của Bộ Tài chính trong giai đoạn 2016-2020.
Phóng viên: Giai đoạn 2016- 2020 là một chặng đường dài với nhiều dấu ấn của ngành Tài chính. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công tác khen thưởng đã nỗ lực để có thể ghi nhận được những thành tích của các cá nhân, tập thể. Điểm lại một cách khái quát nhất, theo ông, đâu là những kết quả nổi bật trong công tác khen thưởng của ngành thời gian qua?
TS Bùi Tuấn Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Tài chính: Với một cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và trải khắp trên toàn quốc như ngành Tài chính, công tác khen thưởng đáp ứng được các tiêu chí vừa bao quát, vừa cụ thể, kịp thời chính xác là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả, việc xây dựng hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính phải được đi đầu, ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.
Hằng năm, trên cơ sở các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, các văn bản quy định chi tiết thi hành và đặc điểm, tình hình của các cơ quan, đơn vị trong ngành, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổng kết công tác thi đua, khen thưởng.
Chỉ từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành chín văn bản hướng dẫn về công tác thi đua hằng năm đối với các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Căn cứ các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Tài chính, các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính đã nghiên cứu, tham mưu trình Bộ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy chế hướng dẫn khen thưởng chuyên đề, đột xuất trong các lĩnh vực công tác của ngành Tài chính. Trong đó, có những quy chế như quy chế khen thưởng người nộp thuế thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế; quy chế khen thưởng đột xuất thành tích trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan; hướng dẫn khen thưởng thành tích trả lại tiền thừa cho khách hàng trong lĩnh vực kho bạc…để bảo đảm khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.
Chất lượng công tác khen thưởng ngày càng được nâng cao. Trong xét khen thưởng đã lấy kết quả tham gia các phong trào thi đua, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn làm căn cứ quan trọng để xét khen thưởng.
Việc xét khen thưởng luôn phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ theo quy định; bảo đảm nguyên tắc công bằng, kịp thời, công khai, minh bạch.
Ngoài ra, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã quan tâm khen thưởng người lao động trực tiếp, các tập thể nhỏ. Từ năm 2016 đến nay, đã đề nghị xét cho 642 cá nhân là người lao động trực tiếp, 379 tập thể được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước. Chưa kể các đề nghị xét khen thưởng cấp Bộ, khen thưởng thành tích chuyên đề, đột xuất và khen thưởng quá trình cống hiến...
Việc quan tâm, chú trọng khen thưởng đã góp phần tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao. Phong trào đã thu hút đông đảo đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nhiệt tình, tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành và nâng cao hiệu quả của công tác khen thưởng của ngành Tài chính.
Phóng viên: Vậy theo ông, làm cách nào để bảo đảm tính minh bạch, đúng người, đúng việc trong công tác khen thưởng?
TS Bùi Tuấn Minh: Chúng tôi luôn xác định, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, bám sát các phong trào thi đua yêu nước, lấy kết quả tham gia các phong trào thi đua, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn làm căn cứ để xét khen thưởng.
Việc khen thưởng phải bảo đảm các đối tượng có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao; khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, những tấm gương “Người tốt, việc tốt” có nhiều thành tích, cũng như đóng góp vào việc xây dựng cơ quan, đơn vị và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong xét khen thưởng phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch: danh sách các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng được tập thể Hội đồng thi đua cho ý kiến; kết quả khen thưởng hằng năm được đăng tải công khai trên bảng tin, Cổng thông tin điện tử và trong các cuộc họp của từng cơ quan, đơn vị trong ngành.
Từ năm 2014, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính mở chuyên mục “Khen thưởng”. Đây là nơi đăng tải, tuyên truyền phổ biến các văn bản, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng; kết quả các phong trào thi đua, kết quả khen thưởng, danh sách khen thưởng; tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, những tấm gương “Người tốt, việc tốt”; những cách làm hay, sáng tạo, những sáng kiến hiệu quả trong ngành. Việc xây dựng và triển khai chuyên mục đã góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch trong xét khen thưởng của ngành.
Phóng viên: Với một mạng lưới các đơn vị trải rộng trên nhiều lĩnh vực, ngành Tài chính có giải pháp gì để triển khai công tác thi đua, khen thưởng được chính xác, kịp thời và minh bạch?
TS Bùi Tuấn Minh: Để cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác thi đua, khen thưởng đạt hiệu quả, trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ Tài chính đã xây dựng phần mềm quản lý Thi đua - Khen thưởng và triển khai ứng dụng trong toàn ngành (từ Phần mềm 1.0, đến năm 2015 nâng cấp Phần mềm 2.0 và năm 2018 tiếp tục nâng cấp lên thành Phần mềm TĐKT 2.5). Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn và sử dụng phần mềm tại khắp ba miền, với sự tham gia của gần 1.000 cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành.
Để bảo đảm phần mềm được vận hành và triển khai hiệu quả, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định về quy chế quản lý, vận hành, khai thác Phần mềm quản lý thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính. Triển khai ứng dụng phần mềm này đã giúp cho cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng thực hiện công tác rà soát, thẩm định hồ sơ khen thưởng thuận lợi hơn, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, giúp cho việc tổ chức thực hiện công tác này ngày càng hiệu quả.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để giúp cho công tác thi đua khen thưởng của ngành Tài chính đạt hiệu quả cao trong giai đoạn 5 năm tới?
TS Bùi Tuấn Minh: Từ kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại, kinh nghiệm để công tác khen thưởng đạt hiệu quả là cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đối với công tác này, cũng như giữa chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị với các tổ chức đoàn thể tại cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai các phong trào thi đua.
Cùng với đó, các phong trào thi đua phải gắn với các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị; gắn các phong trào thi đua thường xuyên với các phong trào thi đua chuyên đề. Mục tiêu, nội dung, giải pháp thi đua phải rõ ràng, cụ thể tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị. Hình thức, phương pháp thi đua phải phong phú, thường xuyên đổi mới, tránh sự nhàm chán để thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua. Các đơn vị cũng cần chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả tổ chức, triển khai các phong trào thi đua.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lựa chọn các điển hình tiên tiến cụ thể, có kế hoạch biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Trong xét khen thưởng, phải bám sát các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, khách quan, kịp thời, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Đối tượng và hồ sơ đề nghị khen thưởng phải được xem xét kỹ từ cấp cơ sở. Cần có những chính sách, giải pháp nhằm quan tâm khen thưởng đối với các đối tượng là các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp, khen thưởng thành tích chuyên đề, đột xuất; tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất.
Giải pháp cuối cùng là thường xuyên quan tâm kiện toàn, hoàn thiện về các cấp bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy, nâng cao vai trò tham mưu, tư vấn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng cần được duy trì ổn định, bảo đảm tính kế thừa lâu dài. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trân trọng cảm ơn ông!