Nâng cao hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về nông thôn

Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ yếu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Không chỉ là cầu nối, mà chương trình còn tạo hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và phía người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, nhiều phiên chợ hàng Việt về các vùng nông thôn, vẫn mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu, cũng như mong muốn của người tiêu dùng.

Phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi" do Sở Công thương Hà Nội tổ chức tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi" do Sở Công thương Hà Nội tổ chức tại huyện Đông Anh (Hà Nội).

Nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mua sắm trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, cuối năm 2017, Sở Công thương TP Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân như tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã và các khu công nghiệp; tổ chức phiên chợ Việt và hơn 100 các chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của người dân… Phần lớn các chương trình này đều nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tự tổ chức bán hàng lưu động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiếp cận, mua sắm hàng hóa, nhất là hàng Việt Nam của người dân nông thôn. Điều đáng nói là, tại những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” và hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tất cả các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kèm theo. Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý và thực hiện các chương trình dịch vụ bán hàng, hậu mãi phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực. Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, cho nên hàng Việt đang ngày càng được khách hàng nông thôn ưa chuộng.

Chị Hoàng Thị Minh, công nhân Khu công nghiệp Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Là công nhân, quanh năm bận rộn, cuối năm mới có thời gian mua sắm, cho nên phiên chợ về nông thôn luôn được chúng tôi chờ đón. Bởi lẽ, hàng hóa bán tại đây không chỉ bảo đảm chất lượng, mà luôn rẻ hơn thị trường. Quan trọng nhất là mình có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Thực tế, thông qua Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường. Còn về phía người tiêu dùng nông thôn, có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều mặt hàng tiêu dùng phong phú của các doanh nghiệp Việt Nam, từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm đến hàng gia dụng, điện tử, nội thất gia đình... Họ có thể thật sự yên tâm vào các sản phẩm mà doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm.

Hiệu quả từ chương trình là không thể phủ nhận, tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, những chuyến hàng Việt Nam về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ. Mặt khác, các chuyến hàng khi về đến các xã đều diễn ra trong một thời gian ngắn và không cố định. Không ít địa phương coi việc doanh nghiệp tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ, cho nên chương trình mạnh ai nấy làm, không có chiều sâu. Mặt khác, các điểm bán hàng lưu động, hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa ổn định, cho nên chưa thật sự thu hút được người mua. Chưa kể, tại các chợ địa phương vẫn còn các đại lý trên địa bàn bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn, thậm chí còn có cả hàng Trung Quốc làm giả, làm nhái các thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước...

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội...

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn có ý nghĩa lớn và mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ giúp cho người dân tiếp cận được với những hàng hóa chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu, chương trình còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình đến tận tay người tiêu dùng Thủ đô, nhất là những người tiêu dùng ở vùng ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.

TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

Việc triển khai các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi đã có tác động sâu sắc đến tâm lý người tiêu dùng. Các phiên chợ thu hút nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia, nhờ đó từng bước khẳng định hàng Việt Nam đang là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong nước. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm.

NGUYỄN HOÀNG MINH

Giám đốc Doanh nghiệp may mặc Minh Hải

"Hiện nay, tại các vùng nông thôn, nhiều mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hạn sử dụng được bày bán tràn lan. Vì vậy, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp Hà Nội sớm đưa hàng về các huyện ngoại thành, các xã miền núi dịp trước Tết, để nhiều người dân thu nhập thấp cũng có thể mua hàng hóa bảo đảm chất lượng với giá cả hợp lý".

NGUYỄN QUANG THUẤN (Huyện Thạch Thất, TP Hà Nội)