Chè Ba Trại nổi tiếng với hương thơm đặc trưng, vị chè đậm, khi pha nước có màu xanh sánh vàng, khi uống có vị chát, ngọt hậu.
Tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Ba Trại là vùng trồng chè lớn nhất huyện Ba Vì với diện tích khoảng 600 ha. Sản lượng chè của Ba Trại đạt hơn 5.000 tấn/năm, chiếm gần 50% tổng sản lượng chè của toàn huyện. Xã có 10 thôn thì có tới chín thôn được công nhận danh hiệu làng nghề chế biến chè búp khô truyền thống.
Ở Ba Trại, hầu như nhà nào cũng trồng chè, bình quân mỗi hộ có từ 2000-3000m2 chè. Cây chè chiếm tới 60% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Mỗi năm, cây chè Ba Trại cho thu hoạch từ bảy đến tám lứa, vụ chè chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, mỗi ha cho thu hoạch từ 8-10 tấn chè búp tươi. Hiện nay, chè búp khô Ba Trại được bán với giá giao động từ 300-500 nghìn đồng/kg, cho thu nhập khoảng 300 triệu/ha/năm.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Ba Trại Dương Văn Huyền cho biết, những năm gần đây nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nên chất lượng chè của Ba Trại được cải thiện rõ rệt. Trước đây, hầu hết các gia đình dùng chảo, bệ bê-tông hoặc dùng tôn đề sao chè; ngay cả việc vò chè cũng thực hiện thủ công khiến chất lượng chè không bảo đảm, nhiều mẻ chè ám khói. Hơn 10 năm trở lại đây, người trồng chè ở Ba Trại đã đầu tư máy sao chè tự động, công đoạn vò chè cũng dùng máy cho nên chất lượng chè được nâng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với việc tưới chè cũng có nhiều thay đổi, rất nhiều gia đình đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động.
Cây chè được phun tưới từ trên xuống tiết kiệm được nước, công chăm sóc, nước tưới trải đều từ lá đến gốc giúp lá chè sạch và tránh được tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu nước như cách tưới truyền thống. Các giống chè chất lượng cao cũng được đẩy mạnh đưa vào sản xuất, nhờ vậy 70% diện tích chè ở Ba Trại là các giống chè chất lượng cao.
Hơn 10 năm trở lại đây, người trồng chè ở Ba Trại đã đầu tư máy sao chè tự động, công đoạn vò chè cũng dùng máy cho nên chất lượng chè được nâng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các giống chè chất lượng cao cũng được đẩy mạnh đưa vào sản xuất, nhờ vậy 70% diện tích chè ở Ba Trại là các giống chè chất lượng cao.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Ba Trại Dương Văn Huyền
Ở Ba Trại hiện nay có nhiều hộ trồng chè theo mô hình VietGAP, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc và sản xuất chè theo hướng an toàn, nhất là ở thôn 2 và thôn 3. Trong quá trình chăm sóc cây, người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ chăm bón cho cây, hạn chế sử dụng phân hóa học. Khi cây chè bị bệnh, người dân ưu tiên dùng chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trị bệnh cho cây.
Chất lượng chè ở Ba Trại không ngừng được nâng cao. Năm 2019, xã Ba Trại đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Chè búp khô Ba Trại”, nhờ vậy, thương hiệu chè búp khô Ba Trại được khẳng định, có chỗ đứng nhất định trên thị trường chè. Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, năm 2021, sản phẩm chè búp khô Ba Trại được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Điều đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gắn phát triển sản xuất với các loại hình du lịch, mở ra hướng đi mới cho chè Ba Trại.
Khai thác tiềm năng du lịch
Xã Ba Trại cách trung tâm huyện Ba Vì khoảng 16km, giao thông đi lại thuận tiện. Ba Trại có lợi thế lớn để phát triển du lịch. Cùng với những đồi chè trải dài khắp các triền đồi, vạt núi, Ba Trại còn được thiên nhiên ưu ái cho phong cảnh thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành. Nơi đây còn có phong tục tập quán đa dạng. Ba Trại về đích nông thôn mới sớm, hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản và đồng bộ. Thời gian qua, xã Ba Trại đã vận động người dân cải tạo vườn chè, tạo cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch đến tham quan.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Ba Trại Dương Văn Huyền cho biết, đã có nhiều đoàn khách đến Ba Trại tham quan. Khách đến Ba Trại khá đa dạng, từ các cháu học sinh, các bạn trẻ, khách đến nghỉ dưỡng ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Khi đến Ba Trại, khách du lịch sẽ được ngắm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, được tìm hiểu, trải nghiệm về quy trình canh tác cây chè từ khâu chăm sóc, thu hái đến những công đoạn sao chè, vò chè và được thưởng thức ấm trà nóng mang hương vị đặc trưng của núi rừng Ba Trại.
Mặc dù có tiềm năng du lịch lớn nhưng việc phát triển du lịch ở Ba Trại hiện nay vẫn mang tính tự phát. Chủ yếu do một số hộ dân tại địa phương và từ các nơi khác đến đứng ra làm du lịch dưới hình thức homestay, mở các cơ sở lưu trú. Nhìn chung, việc phát triển du lịch ở Ba Trại còn lôm côm, rời rạc, thiếu sự gắn kết, chưa có quy hoạch, chiến lược bài bản.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, gắn phát triển sản xuất với các loại hình du lịch, cùng với việc khuyến khích người dân trồng và chế biến chè an toàn, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín vừa bảo đảm chất lượng chè vừa thuận lợi cho khách du lịch tới tham quan, huyện Ba Vì cần xây dựng đề án phát triển du lịch ở Ba Trại, đẩy mạnh việc hỗ trợ xã Ba Trại xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm để tạo điểm nhấn. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ. Mở các lớp tập huấn giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng, biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp. Đồng thời, phổ biến kiến thức, nghiệp vụ về du lịch nói chung, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nói riêng, cũng như trang bị cho người dân kỹ năng về giao tiếp, đón tiếp, phục vụ khách du lịch, cách xử lý tình huống trong quá trình hoạt động du lịch…từng bước xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, an toàn và thân thiện.