Nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu hồi ở Bình Gia

Đã từ lâu, cây hồi luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia (Lạng Sơn) xác định là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân. Chính vì vậy, việc cải tạo, nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích trồng hồi được huyện quan tâm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Người dân ở huyện Bình Gia (Lạng Sơn) thu hoạch hoa hồi, phơi khô phục vụ xuất khẩu.
Người dân ở huyện Bình Gia (Lạng Sơn) thu hoạch hoa hồi, phơi khô phục vụ xuất khẩu.

Anh Nông Ngọc Hậu, ở thôn Còn Tẩu, xã Tân Văn (Bình Gia) chia sẻ: Gia đình có hơn 2 ha rừng hồi, trước đây được trồng và chăm sóc theo phương thức truyền thống nên năng suất thấp, sản lượng không ổn định, diện tích hồi già cỗi, thoái hóa khá lớn. Nhưng từ năm 2020, gia đình anh tham gia mô hình ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp Viện Bảo vệ thực vật trung ương triển khai trên diện tích 1 ha.

Theo đó, anh được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây hồi như: cách bón phân vi sinh, phun chế phẩm sinh học Bio... Sau khi thực hiện các kỹ thuật này, diện tích hồi phát triển tốt hơn, cho năng suất cao và hạn chế được các bệnh thán thư, rụng lá... Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình thu được hơn hai tấn hoa hồi tươi, mang lại thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm (tăng 70% so với khi chưa áp dụng kỹ thuật).

Theo Chủ tịch UBND xã Quang Trung (Bình Gia) Lương Đình Chuyên: Hiện nay, toàn xã có khoảng 1.400 ha hồi. Năm 2020, người dân trên địa bàn xã tham gia mô hình sản xuất hồi hữu cơ với 37 ha và thành lập tổ hợp tác gồm 37 thành viên. Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đánh giá kết quả triển khai mô hình cho thấy, năng suất cây hồi được nâng lên rõ rệt, đạt 6 tấn/ha, gấp ba lần so với trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống. Từ hiệu quả của mô hình, chính quyền xã tuyên truyền, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình. Hiện nay, xã đã thành lập hợp tác xã sản xuất hồi hữu cơ với 331 ha hồi được chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Ông Lương Ngọc Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phòng chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi tiến độ triển khai các mô hình; phối hợp Viện Bảo vệ thực vật trung ương hỗ trợ các hộ trồng hồi tham gia dự án ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi. Cùng với việc cải tạo chất lượng cây hồi, huyện đẩy mạnh tuyên truyền người dân quan tâm mở rộng diện tích, trồng mới thay thế các diện tích rừng hồi già cỗi, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để từng bước xây dựng vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, từ cuối năm 2023, huyện triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây hồi tại xã Quang Trung với tổng diện tích 46,6 ha, gồm 31 hộ tham gia; Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp hồi quế thạch Bình Gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân tham gia thực hiện dự án. Theo đó, các hộ dân tham gia được hỗ trợ cây giống để trồng mới 15,5 ha; vật tư để chăm sóc diện tích đã có. Sau hơn sáu tháng triển khai mô hình, cây hồi trong chuỗi giá trị phát triển tốt, đối với diện tích hồi có sẵn, chất lượng và năng suất được nâng lên, tỷ lệ ra hoa tăng từ 30-40% so với trước đây.

Cùng với việc phát triển sản xuất hồi hữu cơ, UBND huyện còn chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp các đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở triển khai các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào chăm sóc hồi. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã triển khai 20 mô hình, dự án với tổng diện tích hơn 524 ha, cụ thể như mô hình ứng dụng và nhân rộng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi với diện tích 40 ha, tại các xã: Minh Khai, Quang Trung, Hồng Thái...; dự án ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi với diện tích 484,6 ha, tại các xã: Hoa Thám, Hưng Đạo, Thiện Hòa, Thiện Thuật...

Theo thống kê sơ bộ, huyện Bình Gia có khoảng 11.500 ha hồi (tăng hơn 2.000 ha so với năm 2022), trong đó, diện tích hồi có năng suất ổn định, chất lượng cao chiếm chủ yếu với 9.961 ha; chỉ còn khoảng hơn 1.107 ha diện tích hồi già cỗi đang được huyện tuyên truyền, vận động người dân từng bước cải tạo, trồng mới thay thế. Sản lượng hồi khô của huyện cũng tăng dần hằng năm, giai đoạn 2020-2022, sản lượng hồi khô bình quân toàn huyện khoảng 2.500 tấn, cho doanh thu từ 250-350 tỷ đồng, thì đến năm 2023, sản lượng hồi khô toàn huyện đạt hơn 5.000 tấn, doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, giúp thay đổi tư duy trong sản xuất; đồng thời chú trọng việc chuyển giao khoa học-kỹ thuật, xem xét, khảo sát điều kiện thực tế của từng xã để triển khai mô hình phát triển cây hồi phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, huyện cũng đề nghị các sở, ngành tiếp tục quan tâm giúp huyện trong việc kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm hồi của huyện. Với lộ trình này, Bình Gia đang trở thành vùng nguyên liệu hồi lớn, cùng với các huyện trồng hồi của tỉnh tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu hồi xứ Lạng đến thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới.