Năm 1958, sau khi Xưởng phim truyện Việt Nam được xây dựng ở Hà Nội, điện ảnh nước nhà đã có phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông với phần âm nhạc được thể hiện theo bút pháp khí nhạc và giao hưởng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc.
Có thể nói có bao nhiêu thể loại phim, bao nhiêu phong cách đạo diễn, bao nhiêu ý đồ sáng tạo thì có bấy nhiêu cách thể hiện âm thanh và âm nhạc cho phim. Người viết nhạc phim thường linh hoạt, đáp ứng tinh tế yêu cầu của đạo diễn để lựa chọn phương tiện biểu hiện, kể cả các loại nhạc cụ, thành phần nhạc cụ sao cho nhạc luôn "ăn nhập" với phim. Trong đó cần quan tâm tới từng nhân vật, tính cách và mối xung đột kịch tính trong từng đoạn phim và trong cả bộ phim, để sáng tạo những âm hưởng có khả năng tạo ấn tượng và xúc cảm cho người xem.
Người ta nói "Nhạc phim rất kén nhạc sĩ". Người viết nhạc phim thực thụ ngoài khả năng làm chủ lĩnh vực khí nhạc và còn có năng lực sáng tác thanh nhạc. Chúng ta đã có một lớp nhạc sĩ thành danh ở lĩnh vực nhạc phim: Nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết nhạc cho hơn 70 phim các loại: phim truyện, phim hoạt hình, phim tài liệu có thể kể ra Kén rể, Hà Nội mùa chim làm tổ, Đời hát rong, Vùng trời, Đất nước biên cương, Hạt muối của biển ...
Nhạc sĩ Trọng Bằng bắt đầu viết nhạc phim vào những năm 60 của thế kỷ trước khi âm nhạc giao hưởng đang khởi sắc. Ông có cả chục nhạc phim thời sự, tài liệu, khoa học và phim truyện như Biển lửa, Chùm hoa thiên lý, Bức tường không xây, Mảnh trời riêng ...
Nhạc sĩ Đàm Linh đến với nhạc phim đầu tiên qua phim truyện Trận chiến đấu tiếp diễn. Sau đó là những phim Đường về quê mẹ, Người bạn cũ, Đứa con hàng xóm, Cuộc chia tay không hẹn... Nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết nhạc cho khoảng hơn 100 bộ phim truyện, phim hoạt hình... trong đó có Con chim vành khuyên, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Biển gọi, Em bé Hà Nội... Từ năm 1975, sau ngày thống nhất, ông có Yrơnua, Cơn dông, Bản di chúc đẫm máu, Người tình của vua mèo, Cổng trời, Hẹn gặp lại Sài Gòn...
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc bắt đầu viết nhạc cho phim từ năm 1986 với phim Anh và em; tiếp đó là Ngõ hẹp, Tướng về hưu, Người đàn bà bị săn đuổi, Thời đã sống, Người đàn bà nghịch cát, Bỉ vỏ, Hai năm nữa anh về, Người thừa kế ...
Nhạc sĩ Trọng Đài viết nhạc phim (từ năm 1989) cho hàng chục phim nhựa và vài chục phim video, phim hoạt hình. Phim đầu tay của ông là Canh bạc, Số phận tình yêu, Giải hạn, Hoa của trời, Quạ và công ...
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết nhạc phim từ thời gian còn ngồi trên ghế Nhạc viện Tchaikovski (Liên Xô trước đây) với bộ phim tốt nghiệp của đạo diễn Xuân Sơn. Phim đầu tay của ông - là Thị trấn yên tĩnh tiếp đến là Thằng bờm, Đất nước đứng lên, Hoa ban đỏ, Hà Nội mùa đông năm 46 ...
Ngày càng xuất hiện nhiều ca khúc cho phim có đời sống riêng trong sinh hoạt âm nhạc cộng đồng, tiêu biểu như Hồng Đăng với: Nỗi nhớ đại dương (phim Hạt Muối), Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong)... hay Bài ca không quên của Phạm Minh Tuấn trong phim cùng tên, Đi về đâu hỡi em (trong phim Tội lỗi tột cùng), Chị tôi (trong phim Người Hà Nội ) của Trọng Đài...
Kế tiếp những nhà viết nhạc phim từng trải - là lớp nhạc sĩ kế cận: Bảo Phúc, Tuấn Phương, Xuân Phương, Đức Trí... đã trưởng thành và họ đã góp phần cho sự thành công của nhiều thể loại phim thời sự - tài liệu, phim hoạt hình, phim nhựa, phim truyền hình...
Thời gian gần đây việc sáng tác nhạc phim đã có những biểu hiện đáng lo ngại về chất lượng nghệ thuật ở một số thể loại phim, trong đó có cả phim truyện (phim nhựa). Ầy là chưa kể nhiều phim truyền hình, phim videoô nay đang được "làm nhanh"; phần nhạc trong một số phim này biến thành một kênh "vô thưởng, vô phạt", giai điệu sơ sài, có khi chỉ do một organ hoặc ghi-ta thể hiện. Lại có những phim phần nhạc không cần tổng phổ, phân phổ, người viết chỉ nhìn hình ảnh trong phim rồi ứng tác tại chỗ trên đàn điện tử (!).
Tuy vậy hiện trạng này không mang tính bao trùm... Một số người viết nhạc phim chuyên nghiệp luôn coi nhạc phim là lĩnh vực chuyển tải những ý đồ sáng tạo của mình đến đông đảo công chúng nên rất trau chuốt trong sáng tác và gần đây đã xuất hiện một số nhạc phim có dấu ấn trong cộng đồng.
Về phía nhà làm phim, cũng không ít đạo diễn nay đã nhận rõ vị thế của âm nhạc trong "nền nghệ thuật thứ bảy" và hợp tác chặt chẽ với nhạc sĩ sáng tác. Còn công chúng thì luôn chờ đợi sẽ có nhiều nhạc phim hay không chỉ tôn cao giá trị của phim mà còn có đời sống riêng trong lòng công chúng yêu nhạc.