Nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

NDO - Ngày 6/10, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đối với dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo góp ý Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Hội thảo góp ý Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Hội thảo có hơn 100 đại biểu, đại diện các bộ, ngành Trung ương và cơ quan chuyên môn, luật sư, đại diện doanh nghiệp... ở 13 tỉnh, thành phố miền trung tham gia trực tuyến tại 40 điểm cầu.

Đại biểu dự Hội thảo nghe và thảo luận về dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các địa phương, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam nói chung, khu vực miền trung-Tây Nguyên nói riêng, vai trò của luật sư trong trợ giúp pháp lý đối với doanh nghiệp…

Hơn 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là nhỏ và vừa, trong đó hơn 62% số doanh nghiệp là siêu nhỏ. Số doanh nghiệp này hạn chế về nguồn lực, thường chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh mà chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý, khả năng chống chịu rủi ro pháp lý hạn chế. Trong khi đó, chỉ khoảng 8% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được sự hỗ trợ pháp lý, vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rủi ro rất cao.

Mục tiêu của Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trước hết là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong điều kiện kinh doanh toàn cầu, qua mạng, với nhiều rủi ro khó lường. Các dịch vụ hỗ trợ pháp lý đã có sự phát triển, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Chi phí sử dụng các dịch vụ pháp lý cao nên số lượng doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ pháp lý còn thấp.

Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp rất đa dạng, phức tạp, thiếu tính ổn định. Doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh tế, từng từng bộ, ngành.

Chính quyền, cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn của mạng lưới tư vấn viên pháp lý cho doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Xuân Nga, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Trên thực tế, không phải lúc nào các quy định của pháp luật đều được hiểu theo một hướng mà còn tạo ra những cách hiểu khác nhau. Trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không có bất cập. Đề nghị, các cơ quan Trung ương khi xây dựng, ban hành pháp luật theo hướng chỉ được hiểu theo một hướng thống nhất”.

Mục tiêu của Đề án phải nhằm hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, hướng tới 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý miễn phí khi có nhu cầu; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có nhu cầu. Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, tổ chức, doanh nghiệp… tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa nhà nước-doanh nghiệp-tổ chức dịch vụ pháp lý, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.