Công tác GDTC, thể thao trường học thời gian qua mặc dù được các địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả đáng khích lệ, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Thống kê của Bộ GD và ĐT cho thấy, cả nước hiện chỉ có 31% số lượng cơ sở giáo dục mầm non có phòng giáo dục phát triển thể chất, trong khi 80% số trường tiểu học, THCS và THPT thiếu nhà tập thể dục, thể thao; 99,6% số trường thiếu bể bơi; giáo dục đại học có 36% số trường thiếu nhà tập luyện thể dục, thể thao và thiếu bể bơi là 87%. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên thể dục giáo dục phổ thông còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đó, cấp tiểu học chỉ có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách; hơn 90% giờ học thể dục ở cấp tiểu học do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy, cho nên chất lượng còn thấp... Không chỉ vậy, cấu trúc nội dung chương trình ở các cấp học chưa bảo đảm tính thống nhất, thiếu cân đối về nội dung; một số trường xem nhẹ hoạt động này...
Theo Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng (Sở GD và ĐT tỉnh Hải Dương) Tăng Văn Hợp, thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy môn thể dục (từ lớp một đến lớp 12) tại địa phương thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Phần lớn các trường hiện còn thiếu diện tích sân tập, nhà đa năng còn ít, không có đường chạy, sân ném bóng. Nội dung các giờ học thể dục nhịp điệu, chạy tiếp sức, nhảy xa, cầu lông lặp đi lặp lại khiến giáo viên, học sinh thường xuyên cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Đáng chú ý, có những giờ học về chạy bền, đẩy tạ, thể dục nhịp điệu, nhảy xa ưỡn thân, học sinh rất sợ, ngại học, cho nên không phát huy được tính tích cực luyện tập của các em…
Nhìn từ góc độ là cơ sở đào tạo, TS Nguyễn Duy Quyết, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cho biết, thực tế, các trường đại học chuyên ngành GDTC, các khoa GDTC của các trường đại học chủ yếu xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận nội dung, một chiều. Trong đó, phần thực hành chủ yếu tập trung phát triển kỹ năng, kỹ xảo thực hiện động tác và thành tích thể thao, chưa chú ý nhiều đến việc phát triển các năng lực khác cần thiết của người học. Vì vậy, khi sinh viên ra trường, công tác tại các cơ sở giáo dục đã bộc lộ nhiều hạn chế về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Không chỉ vậy, chương trình đào tạo giáo viên hiện nay không thống nhất giữa các trường, thiếu cân đối về nội dung; chưa quan tâm thỏa đáng việc trang bị cho sinh viên những kiến thức, năng lực tổ chức các hoạt động thể thao. Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về sân tập, nhà tập, bể bơi, thiết bị dạy học, là một trong những khó khăn, bất cập cần khắc phục. Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa GDTC - Quốc phòng, Trường đại học Quy Nhơn (Bình Định), Bộ GD và ĐT cần sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên GDTC phổ thông; điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dành phần lớn chỉ tiêu đào tạo đội ngũ này cho các trường đại học sư phạm, các khoa sư phạm trong các trường đại học. Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng (Sở GD và ĐT tỉnh Hải Dương) Tăng Văn Hợp cũng đề xuất Bộ GD và ĐT xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng bảo đảm tính hệ thống, khoa học, linh hoạt, phù hợp thực tế của các địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên nắm bắt kịp thời nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để triển khai phù hợp thực tiễn.
Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, GDTC là thành tố quan trọng trong quá trình đào tạo con người hoàn thiện đức, trí, thể, mỹ. Mặc dù vậy, việc thực hiện hoạt động này trong các nhà trường chưa được chú trọng, bị coi là môn phụ; nhiều thầy giáo, cô giáo cảm thấy “mặc cảm” trước đồng nghiệp. Bộ GD và ĐT nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương, nhà trường đề cập khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu sân chơi, bãi tập, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học GDTC. Phương án xã hội hóa cần được các địa phương tính tới nhiều hơn. Bộ GD và ĐT sẽ rà soát để ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa GDTC trong nhà trường, bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm GDTC tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, tăng thực hành... Trong khi đó, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, từ đó vận dụng các hoạt động GDTC, thể thao một cách linh hoạt, phù hợp điều kiện của địa phương, thể trạng học sinh; tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học…