Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; GS, TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương chủ trì buổi làm việc.
Theo Ban Nội chính Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, tuy khối lượng công việc rất lớn, diễn ra trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh, nền nếp, bài bản, chủ động, sáng tạo và hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng tham mưu chiến lược của Ban. Công tác nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm, vừa bảo đảm toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Hội đồng khoa học cơ quan Ban Nội chính Trung ương đã bám sát Chương trình hành động của ngành nội chính Đảng kịp thời tham mưu lãnh đạo Ban ban hành Chương trình nghiên cứu khoa học giai đoạn 2021-2026; đề xuất nội dung nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình nghiên cứu khoa học hằng năm.
Từ năm 2021 đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu 22 đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp ban Đảng; đề xuất Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương xét duyệt 7 đề tài, đề án khoa học cấp ban Đảng và 3 đề án cấp cơ sở.
Nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học được tổ chức góp phần xây dựng các đề án lớn của Ban Nội chính trung ương trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Công tác nghiên cứu khoa học đã phối hợp tham mưu góp phần hoàn thành xây dựng Đề án, trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; phối hợp Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo khoa học về “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn”, góp phần hoàn thành xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị về bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; phục vụ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”; phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học giới thiệu về nội dung, ý nghĩa và giá trị cốt lõi Cuốn sách của Tổng Bí thư “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”…
Nhiều ý kiến trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Ban Nội chính Trung ương.
Theo đó, một số đề tài, đề án nội dung nghiên cứu còn trùng lặp, thiếu tính mới, chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của Ban; giá trị ứng dụng thực tiễn của một số đề tài, đề án chưa cao; chất lượng, số lượng báo cáo tư vấn, kiến nghị lãnh đạo Ban trong tham mưu, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị qua kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án còn hạn chế….
GS,TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương phát biểu ý kiến. |
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Nội chính Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn với tổng kết thực tiễn, rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; và cải cách tư pháp. Trọng tâm là nghiên cứu các đề tài, đề án phục vụ xây dựng các Đề án lớn của Ban theo Chương trình hành động của ngành nội chính Đảng về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Đề án theo Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Công tác nghiên cứu khoa học tập trung nâng cao chất lượng, giá trị ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác và sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và giám sát chất lượng nghiên cứu của các đề tài, đề án; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhất là tăng cường phối hợp, tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trong định hướng nghiên cứu khoa học, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các đề tài, đề án theo quy định; phổ biến thông tin khoa học, tập huấn nghiệp vụ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nâng cao công tác thẩm định, đánh giá chất lượng các đề tài, đề án; chú trọng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, khắc phục tình trạng đăng ký nghiên cứu tự phát, nội dung nghiên cứu trùng lặp, không thiết thực, hiệu quả.
Phát biểu ý kiến, đồng chí Phùng Hữu Phú đánh giá cao kết quả toàn diện trong công tác nghiên cứu khoa học của Ban Nội chính Trung ương, trong điều kiện khối lượng công việc nhiều, khó, nhạy cảm, cấp bách. 10 định hướng trong công tác nghiên cứu khoa học được đề ra trong thời gian tới đã bám sát nhiệm vụ của Ban, bảo đảm cả 3 phương diện xây dựng luận cứ giúp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chủ trương, đường lối về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp; đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả trong từng lĩnh vực; nghiên cứu đổi mới hoạt động của Ban Nội chính Trung ương. Ban cần tăng cường hình thức đặt hàng giao việc, nghiên cứu gắn với tham mưu phục vụ; nâng cao giá trị ứng dụng các đề án, đề tài khoa học, nhất là báo cáo tư vấn, rút ra kiến nghị khả thi.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận những ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm đóng góp đối với công tác nghiên cứu khoa học của Ban Nội chính Trung ương.
Đồng chí đề nghị Hội đồng Khoa học Ban Nội chính Trung ương và lãnh đạo các vụ, đơn vị nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương tham mưu, triển khai thực hiện để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của công tác nghiên cứu khoa học và trách nhiệm tham gia nghiên cứu khoa học; xác định nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để nâng cao năng lực, trình độ, hình thành được những kỹ năng, phương pháp tư duy mới cho cán bộ, công chức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của các vụ, đơn vị; phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Mỗi cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trẻ phải tích cực, tự giác, dành thời gian thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, xem đây là phương thức quan trọng tự đào tạo, rèn luyện để trở thành chuyên gia, cán bộ tham mưu giỏi.
Lãnh đạo các vụ, đơn vị quan tâm định hướng, tổ chức và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nghiên cứu khoa học, nhất là tạo điều kiện cho số cán bộ trẻ mới được tuyển dụng từ nguồn sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ của Ban sớm được tiếp cận, tham gia nghiên cứu các đề tài, đề án khoa học; lấy kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí nhận xét, đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm.
Đồng chí nhấn mạnh, cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; lấy nhiệm vụ chính trị của Ban là cơ sở, chất liệu để nghiên cứu khoa học và đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào phục vụ công tác chuyên môn; lấy giá trị ứng dụng là tiêu chí, thước đo đánh giá chất lượng các đề tài, đề án; khắc phục tình trạng nghiên cứu không gắn với chức năng, nhiệm vụ của Ban, đề tài, đề án nghiệm thu xong "bỏ tủ".
Hội đồng Khoa học cơ quan cần chủ động, tích cực, sáng tạo hơn nữa trong việc tham mưu, giúp lãnh đạo Ban tổ chức công tác nghiên cứu khoa học; tăng cường tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Khoa học của các ban Đảng và các vụ, đơn vị liên quan; huy động các chuyên gia, nhà khoa học; quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ ban chủ nhiệm các đề tài, đề án triển khai các đề tài, đề án đúng tiến độ, có chất lượng.