Nâng bước trẻ em vùng cao Lũng Luông tới trường

NDO -

Tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được học gần nhà, năm 2014, tỉnh Thái Nguyên thành lập Trường tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai. Nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ xây dựng ngôi trường hình cánh diều, biểu tượng vươn lên trong học tập và tài trợ ăn trưa nhằm tiếp sức trẻ vùng cao đến trường.

Một buổi học tại Trường tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai.
Một buổi học tại Trường tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai.

Cách trung tâm xã Thượng Nung 8 km, đường lên Trường tiểu học Lũng Luông toàn dốc cao ngoằn ngoèo bám theo thế núi, cho thấy địa thế Lũng Luông cao hơn hẳn so với các xóm, bản khác. Trường tọa lạc trên đỉnh đồi, quanh năm lộng gió, mát mẻ về mùa hè, nhưng lại giá rét hơn nhiều nơi khác vào mùa đông.

Cô Hiệu trưởng Đinh Thị Hoa cho biết, khi mới thành lập, các phòng học đều làm bằng tranh tre nứa lá, tường quây ván. Điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc H’Mông, Dao, Tày khó khăn, con em đến trường chân trần, áo không đủ ấm, ngồi co ro vì rét. Năm 2015, đại diện Quỹ Trò nghèo vùng cao; Quỹ Phượng Hoàng (TP Hồ Chí Minh), Công ty Kiến trúc 1+1>2… đã tài trợ toàn bộ kinh phí và trực tiếp tổ chức thi công trường. Trường tiểu học Lũng Luông được xây dựng đồng bộ, gồm: Phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ giáo viên được sắp đặt thành một khối tổng thể hình cánh diều khổng lồ, độc đáo, gần gũi, thân thiện môi trường, phù hợp cảnh quan, tạo cảm hứng cho thày, trò dạy và học tốt.

Trường được xây dựng bằng loại gạch đặc biệt. Trong quá trình san ủi tạo mặt bằng xây trường, đất được tận dụng nghiền nhỏ, trộn với xi-măng, vôi, phụ gia rồi đưa vào phòng ủ, sau đó đưa ra đóng thành gạch xây trường, cho nên mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Mái các ngôi nhà lợp bằng tôn lạnh, trần nhà làm bằng những cây trúc to, dài, thẳng sau khi đã được xử lý chống mối, mọt; chung quanh trường được trồng hàng trăm cây phượng. Xây xong trường, Quỹ Phượng Hoàng và Quỹ Trò nghèo vùng cao còn tài trợ mua sắm bàn ghế, nhiều đồ dùng học tập và giảng dạy cho cô và trò.

Bước vào ngôi trường được xây dựng hình cánh diều, ai cũng cảm nhận thiết kế độc đáo, gần gũi với văn hoá đồng bào, cảnh quan đẹp và sạch sẽ. Thày, trò, đồng bào dân tộc H’Mông, Dao, Tày ở địa phương gọi đây là ngôi trường “Cánh diều ước mơ”, biểu tượng cho sự vươn lên trong học tập. Từ năm 2015 đến nay, Quỹ Trò nghèo vùng cao nuôi học sinh Trường tiểu học Lũng Luông ăn trưa tại trường. Dự kiến cuối năm nay, Trường sẽ đạt chuẩn quốc gia.

Thầy Hiệu phó Lương Hồng Liêm tâm sự: “Thầy, trò chúng tôi mong muốn được phủ sóng điện thoại, internet được kéo về để thuận lợi cho việc dạy, học, học trò, người dân được mở mang thông tin, kiến thức”.

Bí thư Chi bộ xóm Lũng Luông Lý Văn Mùa bộc bạch: “Không chỉ thầy và trò Trường tiểu học Lũng Luông cần internet, sóng điện thoại, người dân cũng cần 2 thứ này, nhất là sóng điện thoại để liên lạc được thuận lợi, tiếp thu thông tin, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần”.  

Tại lễ hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: “Tỉnh sẽ không để học sinh khó khăn nào thiếu máy tính hoặc điện thoại thông minh để học tập”. Được biết, tỉnh Thái Nguyên đã có kế hoạch phủ sóng điện thoại và đưa internet về khu khu vực Lũng Luông.