Nam Phi ứng phó khủng hoảng thiếu điện

Người dân Nam Phi đã phải chịu cảnh mất điện kéo dài. Trong năm nay, tám tháng liên tiếp thường xuyên xảy ra tình trạng mất điện. Gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu điện do các trạm điện cũ kỹ và được bảo dưỡng kém liên tục bị hỏng, Eskom - công ty cung cấp khoảng 95% nhu cầu điện năng tại Nam Phi, đã cắt điện luân phiên để ngăn chặn sự cố sập lưới điện quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm truyền tải điện ở thành phố Cape Town. (Ảnh LOOMBERG)
Trạm truyền tải điện ở thành phố Cape Town. (Ảnh LOOMBERG)

Tình trạng mất điện nghiêm trọng là mối nguy hiểm đối với công nhân ở các mỏ tầng sâu và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên khắp quốc gia công nghiệp hóa nhất châu Phi. Việc làm này cũng đang ảnh hưởng đến các dịch vụ khác của chính phủ, bao gồm cả nguồn cung cấp nước ở một số khu vực khi các máy bơm chạy bằng điện ngừng hoạt động.

Trong khi đó, theo chính quyền thành phố Cape Town, trung tâm du lịch chính của đất nước cầu vồng, tình trạng cúp điện liên tục có thể ảnh hưởng đến dịch vụ nước và vệ sinh. Mặc dù các máy phát điện cố định đã được lắp đặt tại tất cả các nhà máy xử lý nước thải, nhưng số lượng nhà máy di động còn hạn chế và một số địa điểm có thể bị tràn nếu tình trạng mất điện kéo dài hơn vài giờ.

Các chuyên gia kinh tế tại Rand Merchant Bank cho biết, các đợt cắt điện mới nhất ở Nam Phi xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất có thể, khi các điều kiện tài chính đang thắt chặt đáng kể trên toàn cầu. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo, cùng với những khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc cắt điện sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế hàng đầu châu Phi này. Gần như mọi lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng và các công ty viễn thông lớn nhất của Nam Phi cũng cảnh báo tình trạng mất điện liên tục có thể ảnh hưởng đến các dịch vụ viễn thông.

Việc cắt điện khiến nền kinh tế Nam Phi giảm 0,7% trong quý II. Các nhà phân tích của BNP Paribas ước tính, nền kinh tế Nam Phi sẽ tiêu tốn 5,5 tỷ rand (hơn 311 triệu USD) mỗi ngày nếu tình hình xấu đi đến mức 8.000MW công suất bị loại bỏ khỏi lưới điện quốc gia. Tài chính công cũng chịu ảnh hưởng khi chính phủ phải bảo lãnh khoản nợ lên tới 50 tỷ rand. Tình trạng này khiến đồng rand suy yếu, trong khi cổ phiếu của các công ty khai thác và sản xuất sụt giảm.

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa (Ra-ma-phô-xa) đã công bố kế hoạch để tăng ngân sách bảo trì của Eskom nhằm cải thiện độ tin cậy của các nhà máy và giúp Eskom mua thêm điện năng dư thừa từ các nhà sản xuất tư nhân, song các biện pháp đó chủ yếu tập trung vào các giải pháp dài hạn và chưa tạo ra sự khác biệt rõ ràng.

Kế hoạch mua điện khẩn cấp từ các nhà sản xuất đã phải đối mặt sự chậm trễ liên tục. Hiện tại mới chỉ có 150MW công suất từ các dự án tư nhân của nhà phát triển Scatec ASA đang được tiến hành. Eskom cho biết họ có kế hoạch mua khoảng 1.000MW điện từ các nhà sản xuất tư nhân, nhưng không cho biết họ sẽ tiếp cận công suất đó ở đâu hoặc nguồn tiền sẽ đến từ đâu. Công ty này đã chi 7,7 tỷ rand trong năm nay cho động cơ diesel để chạy các tua-bin được sử dụng vào những thời điểm nhu cầu cao điểm và đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) vay một khoản tương đương để xây dựng thêm công suất phát điện tái tạo và mua pin.

Hiện nay, 80% lượng điện tại Nam Phi vẫn được sản xuất dựa trên than đá. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) năm ngoái, Nam Phi đã nhận được khoản tài trợ trị giá 7,7 tỷ euro để tiến hành chuyển đổi năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường.