Năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu có 300 doanh nghiệp công nghệ số

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 400 doanh nghiệp công nghệ số.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Vũng Tàu quyết tâm thực hiện tốt “Chương trình mục tiêu chuyển đổi số” và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thành phố Vũng Tàu quyết tâm thực hiện tốt “Chương trình mục tiêu chuyển đổi số” và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Doanh nghiệp dễ quản lý, người dân thuận tiện kiểm tra

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, công ty đã áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Đến nay, các dữ liệu của Baseafood đã cơ bản cập nhật, lưu trữ qua điện toán đám mây. “Trước đây, Baseafood thường tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại và đàm phán đơn hàng trực tiếp với đối tác, tốn kém chi phí, thì hiện nay, chúng tôi có thể tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và thế giới, đàm phán với các đối tác thông qua các giao dịch thương mại điện tử, với chi phí thấp”, ông Dũng cho biết.

Trang trại chăn nuôi gà thịt công nghệ cao Suối Rao (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cũng đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất.

Để quản lý đàn gà, ngay khi gà giống được nhập về nuôi, trang trại đã thực hiện ghi nhật ký điện tử quá trình nuôi trên phần mềm quản lý thông minh. Khi gà trưởng thành, xuất chuồng và đến tay người tiêu dùng được gắn tem truy xuất nguồn gốc QR Code để người tiêu dùng biết được con gà mình mua được nuôi ra sao, ngày nuôi, ăn thức ăn gì… Trang trại đã được chứng nhận là mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đã xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn tham gia chuỗi liên kết sản xuất gà sạch có truy xuất nguồn gốc giá trị cao của Tập đoàn De Heus Hà Lan tại Việt Nam.

Đến nay, sản phẩm chăn nuôi của trang trại không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.

Chỉ vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, chị Cẩm Chi, ở thành phố Vũng Tàu đã có thể truy xuất được thông tin như: tên sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thậm chí cả nguồn nguyên liệu sử dụng trong quá trình nuôi... trên mã QR sản phẩm thịt gà của Trang trại gà Anh Nguyên một cách nhanh chóng và chính xác…

“Trước đây, tôi chỉ nhìn bên ngoài để xem sản phẩm còn tươi không để chọn mua, còn bây giờ, trên sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc nên dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm. Việc làm này giúp tôi yên tâm khi biết rõ nguồn gốc, thực phẩm nuôi gà”, chị Chi cho biết thêm.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có ít nhất 300 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp công nghệ số có đủ năng lực phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp công nghệ số cung cấp giải pháp nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng đạt hơn 50%.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có ít nhất 400 doanh nghiệp công nghệ số; trong đó có khoảng 80 doanh nghiệp công nghệ số có đủ năng lực phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp công nghệ số cung cấp giải pháp nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng đạt hơn 70%.

Nhu cầu cấp thiết, xu thế tất yếu

Theo ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, những năm gần đây Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách về chuyển đổi số, đặc biệt quan tâm đến kinh tế số, nhằm đạt tăng trưởng 35-37% vào năm 2030. “Chúng tôi kỳ vọng chuyển đổi số sẽ tác động đến chiến lược kinh doanh, tạo ra sự thay đổi toàn diện lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Hiền cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, chuyển đổi số không còn là xu hướng, nhưng mức độ thành thạo trong ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp còn hạn chế, ứng dụng công nghệ số ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, quản lý chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ ở mức thấp. Hiện nay, công nghệ số mới chỉ được ứng dụng trong bán hàng, quản trị kinh doanh, thanh toán.

Trước thực tế đó, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đề ra các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Xây dựng các chính sách khuyến khích về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số gia nhập thị trường; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về cung ứng dịch vụ công nghệ số cho các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư về hoạt động chuyển đổi số; triển khai, duy trì kết nối, tích hợp dịch vụ công toàn trình đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu lồng ghép các chương trình học, môn học: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, khoa học máy tính, sáng tạo dựa trên công nghệ, khởi nghiệp công nghệ… vào chương trình đào tạo cho các cơ sở giáo dục để trang bị kỹ năng, nền tảng cơ bản cho học sinh, sinh viên thực hiện sáng tạo số.