Năm 2022, EVN đẩy nhanh thu xếp vốn đầu tư các dự án điện trọng điểm

NDO -

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện và đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. Dù tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư, vật liệu tăng cao và giãn cách do dịch Covid-19, tập đoàn và các đơn vị rất nỗ lực và có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nên đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020; điện thương phẩm toàn tập đoàn đạt 225,3 tỷ kW giờ, tăng 3,85% so với năm 2020. Đồng thời, đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum (220 MW) và Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng (80 MW); hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án Thủy điện tích năng Bắc Ái.

Cùng đó, khởi công 3 dự án nguồn điện gồm: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (360 MW) và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (1.200 MW). Về lưới điện, EVN đã khởi công 198 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 110-500 kV. Đặc biệt, EVN đã hoàn thành dự án cấp điện nông thôn tỉnh Lai Châu; triển khai thủ tục đầu tư dự án Cấp điện huyện Côn Đảo từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm.

Các Tổng công ty điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng để cấp điện cho 15.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Cà Mau...

Theo EVN, trong năm 2021, việc chuẩn bị đầu tư dự án thường bị chậm, thời gian thực hiện thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng kéo dài; việc hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư gặp nhiều vướng mắc. Một số dự án gặp khó khăn trong thỏa thuận vị trí trạm, hướng tuyến đường dây hoặc phải điều chỉnh tuyến nhiều lần do không được người dân ủng hộ hoặc để phù hợp với qui hoạch khác tại địa phương.

Trong năm 2022, EVN sẽ đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn đối 5 dự án nguồn điện trọng điểm; gồm: Thủy điện Trị An Mở rộng, Nhiệt điện Dung Quất I&III, Nhiệt điện Ô Môn III, Nhiệt điện Quảng Trạch II; tập trung thi công các dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I. Đồng thời, sẽ khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 (100 MWp), Phước Thái 3 (50 MWp); phấn đấu khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn IV (1.050 MW). Với các dự án lưới điện, EVN sẽ hoàn thành 264 công trình lưới điện từ 110-500 kV, khởi công 233 công trình lưới điện từ 110-500 kV.

Bên cạnh đó, triển khai thủ tục đầu tư dự án cấp điện huyện Côn Đảo và các dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với phân bổ vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch 2022. Dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng không cao trong khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn; việc bảo đảm cân đối tài chính của EVN chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 của EVN là hết sức nặng nề trong cả 2 khía cạnh bảo đảm cung ứng điện và cân đối tài chính. Mục tiêu được EVN đặt ra cho năm 2022 là sản lượng điện thương phẩm đạt 242,35 tỷ kW giờ, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021; thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) không quá 333 phút; năng suất lao động tăng 8-10%...