Sáng 15/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 với sự tán thành của 453/457 đại biểu tham gia biểu quyết, chiếm 90,96% tổng số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực chậm lại, giá dầu thô thấp hơn kế hoạch, thực hiện các chính sách miễn giảm, giãn thuế và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chính sách phòng chống dịch, an sinh xã hội, nhưng tổng thu ngân sách đạt 98,2% dự toán, thu nội địa vượt 0,2% dự toán, tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6% tăng so năm trước, nợ thuế giảm 0,63%.
Tỷ trọng chi thường xuyên giảm; trả lãi vay đúng hạn; bội chi ngân sách được điều hành quản lý chặt chẽ thấp hơn dự toán Quốc hội giao. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công giảm; kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm đã góp phần cũng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục liên quan việc dự báo, đánh giá tình hình, công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Nghị quyết xác định tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 đạt hơn 2.279.735 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2019 chuyển sang năm 2020, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2019, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là hơn 2.352.929 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021. Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước là hơn 216.405 tỷ đồng, bằng 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Trường hợp phát hiện các khoản quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước niên độ năm 2020 không đúng quy định, yêu cầu xuất toán, cắt giảm, hủy bỏ, thu hồi ngay về ngân sách nhà nước để tăng thu, giảm bội chi, tăng chi trả nợ ngân sách nhà nước và xử lý theo quy định tại Điều 73 của Luật Ngân sách nhà nước, báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, các kết luận, kiến nghị kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Đồng thời, thực hiện công khai kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán và kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.