Năm 2019, du khách đến đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 47 triệu lượt

NDO -

NDĐT - Ngày 14-12, tại TP Bạc Liêu, đã diễn ra Hội nghị giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần thứ II năm 2019.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo chủ chốt 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nghị cho biết: Mặc dù có tiềm năng đa dạng và phong phú, nhưng nhìn chung, du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thật sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng; đang thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra chuỗi toàn vùng.

Theo thống kê, năm 2019, lượng du khách đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch ước chỉ đạt 30 nghìn tỷ đồng. Dù đã có rất nhiều cố gắng và nỗ lực của các địa phương nhưng do còn thiếu các cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết nên kết quả vẫn còn rất khiêm tốn so với các vùng trọng điểm của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, thông qua Hội nghị này, một lần nữa sẽ là cơ hội để các lãnh đạo và cơ quan chuyên môn, cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch gặp gỡ, trao đổi và bàn các giải pháp nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ, hợp tác trong liên kết phát triển du lịch của liên vùng; thống nhất các thể chế, cơ chế chính sách nhằm phát huy tối đa tiềm năng và sản phẩm du lịch cho từng Tiểu vùng và từng địa phương…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Việc liên kết phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn nhà nước với doanh nghiệp du lịch vì vậy các địa phương cần bám sát chiến lược của quốc gia dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đặc biệt, tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL rất lớn, đa dạng, phong phú, giàu đẹp, nhưng lâu nay chưa có sự liên kết, hợp tác khai thác, phát triển có hiệu quả. Vì vậy, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực và TP Hồ Chí Minh cần hợp tác chặt chẽ, phát huy hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực làm công tác du lịch cần phải chú trọng hơn. TP Hồ Chí Minh phải là đầu mối, là nơi thí điểm để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, sau đó có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương. Có như vậy mới tạo thành sức mạnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập và phát triển…