Mỹ vào chặng nước rút bầu cử giữa nhiệm kỳ

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ đang tích cực đẩy mạnh các chiến dịch tranh cử nhằm thu hút sự chú ý và ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Dù đảng nào giành thắng lợi, cử tri Mỹ cũng mong sau cuộc bầu cử nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tìm được động lực mạnh mẽ để vượt qua những thách thức hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. (Ảnh REUTERS)
Kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. (Ảnh REUTERS)

Hình thức bầu cử tại Mỹ tương đối khác so với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong khi Tổng thống Mỹ được bầu qua lá phiếu đại cử tri, thì lưỡng viện Quốc hội, thống đốc các bang và chính quyền địa phương được bầu qua hình thức phổ thông đầu phiếu. Hiến pháp Mỹ quy định nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài bốn năm, trong khi độ dài một nhiệm kỳ của Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ lần lượt là hai năm và sáu năm. Cứ mỗi hai năm, vào giữa nhiệm kỳ của Tổng thống, cử tri trên khắp nước Mỹ bầu lại toàn bộ số ghế tại Hạ viện và một phần ba tổng số ghế tại Thượng viện. Cuộc bầu cử năm 2022 sẽ chính thức diễn ra ngày 8/11 tới, để bầu lại 435 ghế Hạ nghị sĩ, 35/100 ghế Thượng nghị sĩ và 36 thống đốc bang cùng hàng loạt vị trí tại các chính quyền địa phương.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ thường được xem như một cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang về kết quả điều hành trong gần hai năm của Tổng thống đương nhiệm cũng như tính hiệu quả của các chính sách do các đảng thúc đẩy. Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) nhậm chức tháng 1/2021, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khốc liệt, gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, kéo theo hàng loạt khó khăn về kinh tế-xã hội. Chính quyền Tổng thống Biden và đảng Dân chủ đã đạt nhiều thành tựu trong kiểm soát dịch bệnh, xử lý hiệu quả nhiều vấn đề trong nước, song lại gặp không ít bất lợi ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Kết quả thăm dò được hãng Gallup công bố hôm 25/10 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden đã giảm từ mức 44% vào tháng 8 xuống còn 40%. Trong các tháng trước đó, tỷ lệ này dao động trong khoảng 40% đến 42%.

Kết quả bầu cử sắp tới cũng sẽ gợi mở về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ trong ít nhất hai năm tới. Cuộc thăm dò dư luận do hãng tin AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng (NORC) thực hiện cho thấy, đa số cử tri Mỹ tin rằng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới sẽ tác động đáng kể đến tình hình đất nước. Hơn 80% cử tri Mỹ được hỏi cho rằng, việc tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới là rất hoặc cực kỳ quan trọng. Ða số cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều nhận định, kết quả của cuộc bầu cử này sẽ tác động đến tình hình đất nước và nền kinh tế Mỹ.

Theo giới quan sát, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden sụt giảm có thể ảnh hưởng mạnh đến khả năng kiểm soát lưỡng viện Quốc hội của đảng Dân chủ. Nếu đảng Cộng hòa giành được dù chỉ một trong hai viện Quốc hội cũng có thể gây nhiều khó khăn cho ông Biden và đảng Dân chủ trong triển khai các chương trình nghị sự trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống.

Ðảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang giành được ưu thế trong các lĩnh vực nhất định. Theo kết quả một cuộc khảo sát của ABC News/Ipsos, so với đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa nhận được nhiều sự tin tưởng của người dân Mỹ hơn trong cách thức giải quyết các vấn đề như lạm phát, tăng trưởng kinh tế, giá khí đốt và tội phạm. Trong khi đó, đảng Dân chủ lại có được sự tin tưởng của cử tri Mỹ trong các vấn đề liên quan Covid-19, biến đổi khí hậu, bạo lực và phá thai.

Ðảng nào đưa ra được những cam kết cụ thể và giải pháp sát hơn với mối quan tâm của cử tri chắc chắn sẽ giành được lợi thế. Trong hàng loạt mối quan tâm hiện nay của đông đảo cử tri Mỹ, các vấn đề liên quan kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Khoảng 80% số cử tri Mỹ được hỏi cho biết, cách thức xử lý lạm phát của mỗi đảng sẽ tác động lớn tới quyết định của họ trong mỗi phiếu bầu ■