Mỹ trước áp lực kiềm chế lạm phát

Người đứng đầu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, cơ quan này sẽ hành động mạnh mẽ để kiểm soát giá cả nhằm tránh tái diễn giai đoạn lạm phát cao mà nền kinh tế số 1 thế giới từng trải qua trong những năm 1970 và 1980. Song, nhiệm vụ chặn đà lạm phát tăng mà không gây nhiều tổn thất cho nền kinh tế không dễ dàng với FED trong bối cảnh hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
 Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo Beige Book về tình hình kinh tế mà FED vừa công bố là một trong những tài liệu quan trọng được thị trường chờ đợi, bởi tài liệu này chứa đựng các dữ liệu quan trọng phản ánh "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ và thường được FED đưa ra vào thời điểm hai tuần trước khi Ủy ban Thị trường mở liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của FED, họp báo công bố.

Báo cáo lần này nhận định, hoạt động kinh tế Mỹ không thay đổi kể từ tháng 7 vừa qua và dự báo nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tăng trưởng chậm cho đến cuối năm và lạm phát sẽ giảm. Báo cáo nêu rõ, Chi tiêu tiêu dùng-chỉ số quan trọng trong thước đo nền kinh tế-có xu hướng dần ổn định. Trong đó, chi tiêu cho thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu vẫn cao. Doanh số bán ô-tô thấp do không có nhiều hàng tồn kho và giá cao. Hoạt động sản xuất phát triển không đồng đều, vẫn còn một số khu vực sụt giảm sản lượng do gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động sau đại dịch. Các hoạt động du lịch và dịch vụ đã tăng trưởng trở lại...

Lạm phát vẫn giữ ở mức cao khiến giá các mặt hàng như thực phẩm, chi phí thuê nhà, các dịch vụ tiện ích, khách sạn duy trì đà tăng. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 7 vừa qua đã giảm, song vẫn ở mức cao là 8,5%. Báo cáo của FED cho rằng, áp lực này dù đã giảm bớt trong tháng qua, song còn có thể kéo dài ít nhất cho tới cuối năm nay, trong bối cảnh chi phí đầu vào cho sản xuất và xây dựng còn cao. Mặc dù giá nhiên liệu và nhu cầu chung về năng lượng dự kiến giảm và giúp hạ nhiệt áp lực đối với giá cả, đặc biệt là chi phí vận tải, song thị trường lao động ở Mỹ đang tăng trưởng và FED lo ngại điều này như "đổ thêm dầu vào lửa" với lạm phát khi tiền lương tăng.

Theo dữ liệu mới từ Bộ Lao động Mỹ, nhu cầu tuyển dụng đã tăng trở lại trong tháng 7, sau khi giảm sâu trong tháng 6. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng hiện cao gấp đôi số người thất nghiệp. FED được cho là phải tìm cách hạ nhiệt thị trường lao động sau đợt nóng lên bất ngờ hồi tháng 7.

Áp lực lạm phát khiến FED phải bốn lần nâng lãi suất cơ bản kể từ đầu năm 2022. Một số chuyên gia Phố Wall dự đoán, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới, buộc FED sau đó sẽ phải giảm dần lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức FED tới nay vẫn bác bỏ khả năng này. Trong tuyên bố mới đây, ông Powell cho rằng, FED cần hành động dứt khoát, mạnh mẽ ngay bây giờ và duy trì đường hướng này cho tới khi đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và tránh các chi phí xã hội tăng. Ông cho biết, một đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể được thực hiện trong tháng 9.

Giới đầu tư kỳ vọng FED phát tín hiệu về khả năng đảo chiều đà tăng lãi suất vào cuối năm nay, nếu có thêm chỉ dấu lạm phát chậm lại. Tuy nhiên, tuyên bố cứng rắn của người đứng đầu FED cho thấy, cơ quan này sẽ không sớm chấm dứt chiều hướng tăng lãi suất. Chủ tịch chi nhánh New York của FED John Williams nhận định, lãi suất cho vay sẽ buộc phải duy trì ở mức cao trong một thời gian để đưa nhu cầu cân bằng trở lại với nguồn cung. Theo ông Williams, Mỹ sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, song cần có thời gian.

Những tuyên bố được FED đưa ra cho thấy ý định tiếp tục tăng lãi suất cơ bản để chặn đà lạm phát tăng, dù việc này đã được cảnh báo có thể khiến đời sống người dân Mỹ gặp khó khăn hơn, nền kinh tế suy yếu và tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng hơn. Chính ông Powell cũng thừa nhận, đó là những cái giá phải trả để kiềm chế lạm phát.