Mỹ triển khai kế hoạch tiêm tăng cường từ tháng 9
Chính phủ Mỹ ngày 18/8 thông báo kế hoạch tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba cho người dân nước này từ ngày 20/9 tới. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ, nhà chức trách đang chuẩn bị tiêm mũi thứ ba cho những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine của Moderna và Pfizer từ ít nhất tám tháng trước.
Giới chức y tế Mỹ mong đợi những người đã tiêm một liều vaccine của Johnson & Johnson cũng sẽ tiêm thêm mũi tăng cường. Ngày 27/2, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết đã phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson để sử dụng khẩn cấp.
Theo kế hoạch, ban đầu việc tiêm mũi tăng cường sẽ tập trung vào nhân viên chăm sóc sức khỏe, người sống trong viện dưỡng lão và người cao tuổi, những nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine giảm dần sau sáu tháng trở lên, đặc biệt là ở người cao tuổi có bệnh nền. Giới chức Mỹ đã dẫn lại thông tin này khi đưa ra quyết định về tiêm mũi tăng cường.
Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ nhấn mạnh rằng các loại vaccine đã được nước này phê duyệt vẫn đạt "hiệu quả rõ rệt" trong việc giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong.
Mỹ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 59,9% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine, gần 51% dân số đã được tiêm đủ liều. Tuy nhiên, biến thể Delta đang gây ra cái mà giới chuyên gia gọi là "đại dịch của những người chưa tiêm chủng" do vẫn có nhiều người không muốn tiêm vaccine.
Bỉ tiêm mũi thứ ba cho người bị suy giảm hệ miễn dịch
Sau phiên họp liên bộ về y tế công cộng ngày 18/8, giới chức y tế Bỉ đã quyết định sẽ tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Theo Bộ trưởng Y tế Bỉ, kế hoạch này liên quan đến từ 300.000 tới 400.000 người Bỉ.
Quyết định được đưa ra dựa trên khuyến nghị từ một báo cáo của Trung tâm Giám định Liên bang Bỉ về chăm sóc Sức khỏe (KCE) và lực lượng đặc nhiệm tiêm chủng được công bố vào ngày 17/8 vừa qua.
Theo báo cáo này, việc tiêm mũi thứ ba là hữu ích cho một số đối tượng nhất định, như những người bị rối loạn miễn dịch bẩm sinh, bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận mãn tính, một số người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân đã trải qua cấy ghép hoặc những người bị bệnh viêm nhiễm và dùng thuốc điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.
Trước đó, Đức, Israel và Mỹ đã cho phép tiêm mũi thứ ba đối với một số đối tượng nhất định bằng việc sử dụng vaccine của Pfizer hoặc Moderna.
Cần nghiên cứu thêm về mũi tiêm tăng cường
Ngay sau khi Mỹ công bố kế hoạch nêu trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng ngày cho biết, các dữ liệu hiện nay không cho thấy cần phải tiêm mũi tăng cường.
Trong cuộc họp báo diễn ra tại Geneva, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho biết: "Chúng tôi tin chắc rằng dữ liệu hiện này không cho thấy mũi tiêm tăng cường là cần thiết". Theo bà, cần nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Trong khi đó, cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward phát biểu: "Thế giới có đủ vaccine, nhưng nó không đến đúng chỗ, trong trật tự phù hợp". Những người dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới nên được tiêm đủ hai liều vaccine trước khi mũi tiêm tăng cường được tiêm cho những người đã tiêm chủng đầy đủ.