Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ lưu ý lệnh cấm này mở rộng đối với "một số nhà tài phiệt nhất định của Nga và Belarus và các nhân tố xấu trên toàn thế giới". Theo bộ này, các biện pháp kiểm soát như vậy trước đây chỉ áp dụng với Triều Tiên.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cũng tuyên bố nước này và các đồng minh sẽ chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga. Ông cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu rượu vodka, kim cương và hải sản của Nga.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 28 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Nga bao gồm khoáng sản nhiên liệu, kim loại quý và đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ. Trước đó, Tổng thống Biden đã thông báo áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và các nguồn năng lượng khác của Nga.
Cùng ngày, đài RT (Nga) đưa tin Mỹ đã cấm xuất khẩu, xuất khẩu lại, bán hoặc cung cấp dù là trực tiếp hay gián tiếp tiền USD từ Mỹ cho Chính phủ Nga hoặc người ở Nga. Đây là một động thái nữa mà Mỹ thực hiện để tăng cường sức ép kinh tế với Nga. Cấm cung cấp USD cho Nga sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với nước xuất khẩu dầu lớn này vì hầu hết hợp đồng dầu được thanh toán bằng đồng tiền của Mỹ.
Trước đó, ngày 2/3, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cấm xuất khẩu và nhập khẩu tiền giấy euro sang Nga. Chỉ có ngoại lệ dành cho các cá nhân đến Nga, các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế có quyền miễn trừ pháp lý.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ rơi vào "suy thoái sâu" trong năm nay. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/3 cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan vấn đề Ukraine sẽ gây bất ổn các thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu, đẩy giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao vì Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Ông cũng khẳng định Nga sẽ vượt qua khủng hoảng và sẽ mạnh mẽ hơn.
Điện Kremlin ngày 11/3 tuyên bố nước này sẽ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine nếu phương Tây giải tỏa những quan ngại mà Moskva liên tục đưa ra.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nêu rõ quan điểm của Nga khi được hỏi về cách thức chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông cho biết Moskva đã đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với Kiev nhằm giải quyết các quan ngại của Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho rằng Ukraine đang thảo luận vấn đề với Mỹ và các đồng minh. Ông hy vọng điều này sẽ được thực hiện.