Mỹ tái gia nhập UNESCO

Tại phiên họp bất thường ngày 30/6 vừa qua, các quốc gia thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua đề xuất tái gia nhập của Mỹ, với 132 phiếu thuận và 10 phiếu chống. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay (A.A-du-lê) đánh giá, sự trở lại của Mỹ thể hiện niềm tin mạnh mẽ của thế giới vào UNESCO và chủ nghĩa đa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở của UNESCO tại Paris (Pháp). Ảnh: AP
Trụ sở của UNESCO tại Paris (Pháp). Ảnh: AP

Là một trong những thành viên sáng lập UNESCO, Mỹ từng là quốc gia đóng góp chính cho ngân sách của cơ quan này cho đến năm 2011, thời điểm UNESCO chấp thuận Palestine là một nhà nước thành viên. Sau sự kiện này, Mỹ ngừng đóng góp tài chính cho UNESCO, bởi theo Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại được thông qua năm 1990, Mỹ sẽ cắt hỗ trợ cho bất kỳ tổ chức nào của Liên hợp quốc coi Tổ chức Giải phóng Palestine có vị thế như các quốc gia thành viên khác.

Năm 2017, Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi UNESCO với lý do tổ chức này chống lại Nhà nước Do thái Israel, đồng minh thân cận của Mỹ. Quyết định này chính thức có hiệu lực năm 2018. Trước đó, vào năm 1984, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ cũng rút khỏi UNESCO và gia nhập trở lại tổ chức này sau gần 20 năm, vào tháng 10/2003.

Ngày 8/6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi một bức thư tới Tổng Giám đốc UNESCO, bày tỏ mong muốn tái gia nhập với tư cách thành viên chính thức từ tháng 7/2023. Trong bức thư, Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh cách mà UNESCO giải quyết hàng loạt thách thức hiện nay, hiện đại hóa cơ chế quản lý của tổ chức, giảm căng thẳng chính trị tại các khu vực. UNESCO đã tích cực tham gia kiến tạo các cuộc hòa giải để giảm bớt khác biệt và tìm sự đồng thuận giữa các bên trong những chủ đề nhạy cảm nhất như xung đột tại Trung Đông. Các sáng kiến của UNESCO góp phần đem tới giải pháp cho vấn đề truyền thống như bảo vệ các di sản, tái thiết các thành phố cổ cho đến các vấn đề cấp thiết, mới nổi hiện nay như khía cạnh đạo đức trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định miễn trừ việc áp dụng Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại đối với trường hợp UNESCO từ đầu năm 2023 cho tới năm 2025. Theo đó, Washington cam kết sẽ thanh toán dần khoản đóng góp 619 triệu USD cho khoảng thời gian Mỹ rời khỏi tổ chức. Theo kế hoạch được đề xuất, Mỹ sẽ trả 150 triệu USD cho năm 2024, bao gồm khoản đóng góp theo năm và các khoản nợ. Mỹ cũng sẽ cung cấp thêm khoản tài trợ tự nguyện trị giá 10 triệu USD để hỗ trợ các công tác giáo dục và bảo tồn di sản văn hóa của UNESCO.

Trong một thông cáo báo chí, UNESCO cho biết, Mỹ cam kết sẽ đóng góp khoản tài trợ tương đương 22% ngân sách thường xuyên của tổ chức này. Do đó, UNESCO sẽ được hưởng lợi từ việc ngân sách được tăng cường để thực hiện các chương trình giáo dục, văn hóa, khoa học và thông tin. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh các hoạt động của UNESCO tại châu Phi và các dự án về bình đẳng giới, hai trong số các ưu tiên chiến lược của tổ chức. Trong khi đó, đối với Mỹ, việc gia nhập trở lại UNESCO góp phần thúc đẩy các chiến lược toàn cầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn).

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh, những nhiệm vụ của UNESCO trong giải quyết các vấn đề giáo dục, khoa học, văn hóa, tự do thông tin là những ưu tiên trọng tâm để thế giới cùng vượt qua những thách thức của thế kỷ 21. Chính vai trò trung tâm này của UNESCO cũng như việc giảm bớt căng thẳng chính trị trong tổ chức đã thúc đẩy Mỹ tham gia trở lại.