Thế giới ngày qua

Mỹ: Siết chặt cấm vận chống Cuba

Ngày 4-3, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo cho biết, Washington sẽ tiếp tục treo Đề mục III của Luật Helms-Burton thêm 30 ngày, nhưng bắt đầu áp dụng một phần điều khoản hà khắc này, qua đó siết chặt cuộc bao vây cấm vận chống Cuba.

Mỹ: Siết chặt cấm vận chống Cuba

Washington cho phép các công dân Mỹ gốc Cuba được khởi kiện các doanh nghiệp Cuba nằm trong danh sách trừng phạt do Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương đưa ra từ tháng 11-2017.

* Phản ứng trước quyết định nêu trên của Mỹ, cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba B.Rodriguez cho biết, La Habana "cực lực phản đối" hành động của Washington "trừng phạt tùy tiện" các công ty của Cuba. Bộ Ngoại giao Cuba ra thông cáo chỉ trích quyết định nêu trên của Mỹ và vạch rõ quyết định này gây "thêm những trở ngại cho các mục tiêu phát triển kinh tế" của Cuba, đồng thời khẳng định âm mưu gây sức ép hòng buộc Cuba phải tuân theo "cây gậy" của Mỹ sẽ tiếp tục thất bại.

Australia: Chống bạo lực gia đình

Chính phủ Australia vừa cam kết chi 232,7 triệu USD phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có việc lần đầu xây dựng chiến lược quốc gia cho hoạt động này. Trong gói kinh phí nêu trên, gần 49,7 triệu USD sẽ được giải ngân để xây dựng các chiến lược nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và niềm tin tiêu cực của cộng đồng - vốn là nguyên nhân dẫn tới các hành vi bạo lực. Ngoài ra, gần 56,8 triệu USD sẽ được chi cho công tác bố trí nơi ở khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em.

Phần lớn số tiền còn lại sẽ được dùng để tiếp tục thực hiện kế hoạch quốc gia nhằm giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ trong ba năm tới. Bộ trưởng Dịch vụ xã hội Australia P.Phlít-chơ cho biết, đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Australia nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể như lạm dụng phụ nữ kém phát triển về trí tuệ.

Canada: Bộ trưởng thứ hai từ chức

Ngày 4-3, bà J.Philpott, thành viên thứ hai trong Chính phủ của Thủ tướng Canada J.Trudeau đã quyết định từ chức Chủ tịch Ủy ban tài chính, với tuyên bố bà mất niềm tin vào cách chính phủ xử lý vụ bê bối liên quan tập đoàn xây dựng SNC-Lavalin. Bà Philpott bày tỏ không hài lòng về phản ứng của chính phủ trước những cáo buộc rằng các quan chức đã gây áp lực không phù hợp với cựu Bộ trưởng Tư pháp W.Raybound trong năm 2018 nhằm giúp SNC-Lavalin không phải ra tòa với cáo buộc hối lộ.

Tập đoàn SNC-Lavalin bị buộc tội hối lộ các quan chức Libya từ năm 2001 đến 2011 để đổi lấy các hợp đồng thương mại. SNC-Lavalin muốn được nộp phạt để tránh phải hầu tòa. SNC-Lavalin là một trong những doanh nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ nhất từ Cơ quan phát triển xuất khẩu của Chính phủ Canada (EDC).

Romania: Chính phủ đối mặt sức ép

Hàng nghìn người Romania xuống đường tuần hành phản đối sắc lệnh cải cách tư pháp mà chính phủ thông qua vào giữa tháng 2 vừa qua, đồng thời yêu cầu cần có một hệ thống tư pháp độc lập. Tại thủ đô Bucharest và các thành phố khác, từ tối 3-3 (giờ địa phương), người biểu tình đã xuống đường tuần hành yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp T.Toader từ chức và bãi bỏ Lệnh khẩn cấp số bảy, vì cho rằng lệnh khẩn cấp nêu trên cản trở hoạt động của các thẩm phán.

Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi đội ngũ thẩm phán của các văn phòng công tố và tòa án trên khắp Romania bày tỏ quan điểm bất bình và sẵn sàng ngừng hoạt động, nếu chính phủ ban bố Lệnh khẩn cấp số bảy.