Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đã có gần 458 nghìn ca tử vong trong hơn 27 triệu ca nhiễm. Mặc dù đứng thứ hai thế giới, với 154.635 ca tử vong trong số 10.778.206 ca bệnh, số ca nhiễm mới theo ngày tại Ấn Độ đã giảm đáng kể trong những ngày qua. Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận 11 nghìn ca.
Trong khi đó, đứng thứ ba thế giới với 226.383 ca tử vong trong số 9.286.256 người bệnh, số ca nhiễm mới và tử vong trong vòng 24 giờ qua tại Brazil vẫn cao, với lần lượt là 56.240 và 1.240 .
Nga đứng thứ tư thế giới, nhưng đứng đầu châu Âu với 3.884.730 ca nhiễm và 74.158 ca tử vong, trong đó trong vòng 24 giờ qua ghi nhận 16.643 và 539 ca tử vong.
Xét theo khu vực, Bắc Mỹ có số ca nhiễm cao nhất thế giới gần 31 triệu ca mắc Covid-19 và 660.758 ca tử vong. Tiếp theo là châu Âu với 30.548.353 ca mắc và 713.595 ca tử vong. Đứng thứ ba là châu Á với 23.226.453 ca mắc và 374.805 ca tử vong .
Liên quan đến những thiệt hại kinh tế cho đại dịch Covid-19 gây ra. Cho đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận lượng du khách nước ngoài đến nước này giảm 75%, với chưa đến ba triệu lượt du khách đến trong năm 2020 do tác động từ biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Bộ trưởng Du lịch Prahlad Patel nêu rõ, năm ngoái, lượng du khách nước ngoài đến Ấn Độ chỉ đạt 2,68 triệu lượt và không có nghiên cứu chính thức nào được thực hiện để đánh giá những thiệt hại của năm 2020. Mặc dù vậy, các cuộc thảo luận của các bên liên quan trong ngành cho thấy ngành du lịch đã hứng chịu tổn thất nặng nề về doanh thu, ngoại hối và việc làm. Lượng du khách nước ngoài đến Ấn Độ vào các năm 2018 và 2019 lần lượt là 10,56 triệu và 10,93 triệu lượt, sau khi vượt mốc 10 triệu lượt vào năm 2017.
Tối 2-2, trả lời họp báo sau khi công bố quyết định gia hạn ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 10 địa phương, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố mặc dù tình hình lây lan của dịch bệnh đang có xu hướng giảm nhưng chính phủ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn, mở đường cho các hoạt động kinh tế.
Cùng ngày, chính quyền thủ đô Algiers của Algieria thông báo, số giờ giới nghiêm tại địa phương này sẽ được điều chỉnh kể từ ngày 3-2, từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, thay vì 20 giờ đến 5 giờ. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh cũng sẽ được mở đến 21 giờ.
Chính quyền Algiers cũng cho phép mở lại các phòng thể thao và nhà thi đấu thể thao cũng như khu vui chơi giải trí và bãi biển. Ngoài ra, biện pháp nới lỏng cũng được áp dụng cho các tiệm cắt tóc, tiệm bánh ngọt và bánh kẹo, quán cà phê, nhà hàng và bán thức ăn nhanh. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ được phép bán cho khách mang về.
Về chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2-2 thông báo sẽ bắt đầu chuyển mỗi tuần khoảng một triệu liều vaccine tới thẳng hàng nghìn hiệu thuốc trên toàn quốc nhằm nỗ lực giải quyết mối quan ngại về tính công bằng và đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng của nước này. Theo thông báo, số vaccine trên sẽ bổ sung cho hàng triệu liều vaccine được gửi hàng tuần tới các bang, vùng lãnh thổ và các nhóm người cũng như tới một số hiệu thuốc địa phương.
Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất nhằm tăng tốc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 bằng cách giúp nâng cấp các nhà máy sản xuất dược phẩm hiện hữu hoặc xây dựng thêm các cơ sở mới.
Đề xuất trên được đưa ra trong bức thư chung của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp châu Âu (EU), trong bối cảnh khối này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, chủ yếu xuất phát từ vấn đề sản xuất.
Bức thư gửi các lãnh đạo châu Âu chỉ ra rằng EC phải triển khai tất cả các phương tiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khối, có thể là thông qua đầu tư bổ sung nhằm nâng cấp các nhà máy hiện có hoặc xây dựng các cơ sở sản xuất mới.
Ngân sách mới được thỏa thuận của EU cùng với quỹ phục hồi tổng cộng 1,8 nghìn tỷ euro phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Theo số liệu thống kê của chuyên trang về dữ liệu Our World in Data, các nước EU cho đến nay đã tiêm liều đầu tiên cho khoảng 3% dân số của họ, so với 9% ở Mỹ và 14% ở Anh.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 3-2 (giờ Việt Nam):
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 27.027.347 ca mắc, 457.856 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.778.206 ca mắc, 154.635 ca tử vong
3. Brazil: 9.286.256 ca mắc, 226.383 ca tử vong
4. Nga: 3.884.730 ca mắc, 74.158 ca tử vong
5. Anh: 3.852,623 ca mắc, 108.013 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.099.687 ca mắc, 30.581 ca tử vong
2. Philippines: 528.853 ca mắc, 10.874 ca tử vong
3. Malaysia: 222.628 ca mắc, 791 ca tử vong
4. Myanmar: 140.354 ca mắc, 3.138 ca tử vong
5. Singapore: 59.584 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 20.454 ca mắc, 79 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.891 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 466 ca mắc
9. Brunei: 180 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 44 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 30.908.873 ca mắc, 660.758 ca tử vong
2. Châu Âu: 30.548.353 ca mắc, 713.595 ca tử vong
3. Châu Á: 23.226.453 ca mắc, 374.805 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 16.029.753 ca mắc, 419.362 ca tử vong
5. Châu Phi: 3.614.270 ca mắc, 92.472 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 50.234 ca mắc, 1.077 ca tử vong