Mỹ phạt Twitter 150 triệu USD do vi phạm quyền riêng tư

NDO -

Ngày 25/5, giới chức Mỹ cho biết mạng xã hội Twitter đã đồng ý nộp phạt 150 triệu USD để giải quyết các cáo buộc về việc nền tảng trực tuyến này đã "tuồn" thông tin của người dùng cho các nhà quảng cáo.

Biểu trưng của Twitter. (Ảnh: Reuters)
Biểu trưng của Twitter. (Ảnh: Reuters)

Thông tin cá nhân mà người dùng chuyển giao cho các công ty công nghệ và cách thức mà các công ty công nghệ sử dụng những dữ liệu này là "mặt trận xung đột" lặp đi lặp lại giữa các cơ quan quản lý và các "đại gia" công nghệ (Big Tech) như Meta (công ty mẹ của Facebook), Twitter và nhiều công ty khác.

Những tranh cãi về quyền riêng tư của người dùng đã dẫn đến các vụ kiện hoặc dàn xếp định kỳ, trong bối cảnh dư luận xã hội lâu nay kêu gọi cơ quan chức năng cập nhật toàn diện các quy tắc quốc gia về cách thức xử lý dữ liệu của người dùng trực tuyến.

Theo các nhà quản lý, số liệu thống kê cho thấy trong khoảng thời gian 5 năm tính đến hết năm 2019, hơn 140 triệu người dùng Twitter đã cung cấp số điện thoại hoặc địa chỉ email cho mạng xã hội có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) này để giúp bảo mật tài khoản hai lớp (xác thực với hai yếu tố). Kỹ thuật bảo mật liên quan đến việc tăng cường mật khẩu bằng mã dùng một lần được gửi thông qua tin nhắn văn bản hoặc email.

Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội Twitter đã yêu cầu người dùng cung cấp số điện thoại hoặc địa chỉ email để siết chặt quyền riêng tư khi hoạt động trên nền tảng trực tuyến này, nhưng sau đó lại chuyển các thông tin đó cho các nhà quảng cáo để sàng lọc khách hàng mục tiêu.

Tuyên bố của Chủ tịch FTC, bà Lina Khan nêu rõ: "Twitter lấy dữ liệu từ người dùng với lý do tăng cường tính bảo mật, nhưng rốt cuộc lại sử dụng những dữ liệu này để các đối tác quảng cáo nhắm khách hàng mục tiêu, mà không được sự đồng ý của họ". 

Trong khi đó, luật sư Stephanie Hinds cho biết: "Khi chia sẻ các thông tin cá nhân, người dùng có quyền được biết nếu thông tin của họ đang được sử dụng để giúp các nhà quảng cáo nhắm mục tiêu khách hàng".  

Thỏa thuận dàn xếp giữa nhà chức trách Mỹ và Twitter nêu rõ ngoài việc nộp phạt 150 triệu USD, mạng xã hội này sẽ triển khai các biện pháp bao gồm cả việc đánh giá thường xuyên chương trình bảo mật của mạng xã hội này thông qua một thẩm định viên độc lập. Ngoài ra, thỏa thuận cũng yêu cầu Twitter thông báo tới tất cả những người đã tham gia mạng xã hội này trước cuối năm 2019 về quy tắc và các tùy chọn để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.