Mỹ phát hiện 2 bệnh nhi đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 22/7 cho biết đã có 2 trẻ em ở nước này được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm 1 trẻ trong độ tuổi tập đi ở bang California và bệnh nhi còn lại là trẻ sơ sinh không phải cư dân Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện cả 2 bệnh nhi đều có sức khỏe tốt và đang được điều trị.

Nguyên nhân khiến 2 trẻ này mắc bệnh đang được điều tra nhưng giới chức y tế Mỹ cho rằng có thể do lây nhiễm trong gia đình.

Cũng theo số liệu của CDC Mỹ, trên toàn nước Mỹ đã có 1.814 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận tính đến ngày 15/7.

Hiện nước này đang tăng cường năng lực xét nghiệm và nguồn cung vaccine để ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể đang đứng trước nguy cơ mất khả năng kiểm soát đợt bùng phát này do phản ứng chưa đủ nhanh.

Trước nay, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài 2 khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh.

Tính đến nay, đã có hơn 15.000 trường hợp được báo cáo mắc bệnh đậu mùa khỉ ở những nước trước đây không hề phát hiện căn bệnh này.

Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này.

Về số ca mắc đậu mùa khỉ ở trẻ em, tính đến nay ở châu Âu đã có ít nhất 6 trường hợp mắc bệnh trong nhóm từ 17 tuổi trở xuống.

Ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em phổ biến hơn và tỷ lệ bệnh nặng, tử vong cũng cao hơn.

Theo tiến sĩ James Lawler, bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, một trong những lý do có thể là nhiều người lớn tuổi đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa từ khi còn nhỏ nên có khả năng kháng lại virus đậu mùa khỉ cao hơn trẻ em.

Việc tiêm phòng bệnh đậu mùa đã ngừng lại sau khi căn bệnh này được loại trừ khoảng 40 năm trước nên kể từ đó, trẻ em không được tiêm phòng căn bệnh này.