Với 65 phiếu thuận và 27 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu và gửi tới Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) để ký ban hành trước khi ngân sách chính phủ hiện nay hết hiệu lực vào nửa đêm 18/2 (theo giờ địa phương). Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này vào ngày 8/2. Đây là lần thứ ba kể từ tháng 9/2021 Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách ngắn hạn vì mục đích tương tự.
Như vậy, khoảng ba tuần tới, giới lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ nhiều khả năng đàm phán về một gói ngân sách chi tiêu quy mô lớn trị giá khoảng 1.500 tỷ USD dành cho một loạt chương trình của chính phủ, trong đó bao gồm các dự án của Lầu năm góc, Cơ quan bảo vệ môi trường, Cơ quan Y tế và nhân sinh... Hiện phe Cộng hòa và Dân chủ đang bất đồng về việc phân bổ ngân sách. Đảng Cộng hòa muốn chia đều ngân sách liên bang cho các chương trình quốc phòng và an sinh xã hội, trong khi đảng Dân chủ muốn chi tiêu nhiều hơn cho các dự án phi quốc phòng.
Trong trường hợp Quốc hội lưỡng viện không thể nhất trí về kế hoạch ngân sách trước ngày 11/3 tới, có thể xảy ra 3 kịch bản: Thứ nhất, các nhà lập pháp buộc phải thông qua một dự luật mở rộng ngân sách hiện tại ở mức mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump (Đ.Trăm) đã phê duyệt cho thời gian còn lại của năm tài chính hiện nay. Kịch bản thứ hai là Quốc hội Mỹ thông qua một ngân sách chi tiêu ngắn hạn thứ tư để giúp hai đảng có thêm thời gian thỏa thuận về gói ngân sách quy mô lớn. Kịch bản thứ ba và là kịch bản xấu nhất sẽ là một số cơ quan chính phủ phải đóng cửa do hai đảng không thể thỏa hiệp về gói chi tiêu nào.
Đàm phán nhằm thu hẹp bất đồng giữa hai đảng về phân bổ ngân sách diễn ra trong bối cảnh giới chức Mỹ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế trong nước. Dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (G.Y-ê-len) nhận định lạm phát tăng vọt ở Mỹ là “không thể chấp nhận được”, song “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được bảo đảm nhờ các chính sách giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 và thị trường việc làm đang phục hồi nhanh chóng. Bộ trưởng Yellen tin tưởng rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ có những biện pháp phù hợp để kiềm chế lạm phát trong khi bảo đảm các ngành kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi.
FED hiện đã sẵn sàng triển khai các biện pháp tăng lãi suất nhằm khắc phục những ảnh hưởng của việc chính quyền áp dụng các gói kích thích kinh tế bất thường ở giai đoạn đầu đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tăng có thể cản trở hoạt động kinh tế, vấn đề mà FED đã phải vật lộn trong quá trình phục hồi trước đây.
Hiện chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực tối đa để tháo gỡ tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, hiện là nguyên nhân chi phối giá của nhiều mặt hàng như ô-tô. Các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ liên bang, đặc biệt là việc triển khai gói cứu trợ “Giải cứu nước Mỹ”, đã giúp hầu hết người dân Mỹ vượt qua được khó khăn, tạo cơ sở cho thị trường việc làm phục hồi nhanh chóng sau khi hàng triệu việc làm “bốc hơi” trong thời gian đại dịch hoành hành. Hàng triệu người nộp đơn xin giấy phép kinh doanh tại Mỹ trong bối cảnh đại dịch. Theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ, các ngành bán lẻ, khai thác mỏ, bất động sản, giáo dục và chăm sóc sức khỏe là những lĩnh vực có số đơn xin giấy phép kinh doanh tăng cao nhất.
Những tín hiệu khả quan của nền kinh tế Mỹ được cho là sẽ tác động tới đàm phán về kế hoạch chi tiêu trong dài hạn của các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Lần cuối cùng Quốc hội Mỹ không thể đạt nhất trí về kế hoạch ngân sách cho chính phủ là vào tháng 12/2018 khi phe Dân chủ phản đối việc cấp kinh phí xây dựng bức tường biên giới phía nam do cựu Tổng thống Trump đề xuất.