Chất bán dẫn là vật liệu không thể thiếu trong sản xuất các chip điện tử, bộ phận vốn được xem là “bộ não” của các thiết bị như điện thoại thông minh, máy vi tính, cho đến ô-tô, các loại vũ khí và các thiết bị công nghệ khác. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, sản xuất chất bán dẫn là một trong những lĩnh vực cốt lõi trong cuộc đua cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết, tình trạng thiếu chip bán dẫn đã tác động đến ít nhất 169 ngành công nghiệp, trong đó sản xuất ô-tô là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua đã khiến hai hãng sản xuất ô-tô hàng đầu của Mỹ là General Motors và Ford Motor phải cắt giảm sản lượng. Lợi nhuận của hãng sản xuất ô-tô lớn nhất Mỹ General Motors giảm khoảng hai tỷ USD trong năm 2021 do bị gián đoạn hoạt động bởi thiếu chất bán dẫn.
Thị trường chất bán dẫn thế giới gần đây liên tục rơi vào tình trạng khan hiếm do tác động của đại dịch và xung đột địa chính trị. Bảo đảm ổn định nguồn cung loại vật liệu chiến lược này trở thành vấn đề cấp bách đối với nhiều quốc gia. Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ chiếm 20% thị phần ngành bán dẫn toàn cầu. Nhật Bản coi sản xuất chất bán dẫn là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp quốc gia, vì vậy đặc biệt chú trọng triển khai các chính sách thúc đẩy phát triển ngành này.
Viện dẫn những lý do về kinh tế và an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật với khoản ngân sách 52 tỷ USD nhằm trợ cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài trong cung ứng những linh kiện quan trọng. Tổng thống Biden khẳng định, kế hoạch của chính phủ dành sự ủng hộ cho các nhà sản xuất trong nước giúp Mỹ duy trì vai trò trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (G.Rai-môn-đô) cảnh báo, Mỹ đang tụt lại trong cuộc đua sản xuất chip bán dẫn. Cho rằng chip bán dẫn là công nghệ trụ cột làm nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế, Bộ trưởng Raimondo nêu rõ, Mỹ không thể có được một nền kinh tế mạnh mẽ nếu không tăng cường tự lực sản xuất chất bán dẫn. Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan (G.Xu-li-van) cho rằng, việc phụ thuộc một số lượng hạn chế các cơ sở sản xuất nước ngoài trong lĩnh vực đặc biệt này là mối nguy với Mỹ.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung chip từ Đài Loan (Trung Quốc). Mỹ dẫn đầu thế giới về thiết kế các loại chip công nghệ cao, tuy nhiên, khâu sản xuất những loại chip phức tạp nhất lại nằm ở châu Á. Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Mỹ, các công ty hoạt động trong lĩnh vực chất bán dẫn của Mỹ chiếm 47% doanh số bán chip toàn cầu, nhưng chỉ 12% số chip trên toàn cầu được sản xuất tại Mỹ.
Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất trong nước, Mỹ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Mỹ đã đàm phán với Hàn Quốc nhằm thiết lập một liên minh chất bán dẫn để sẵn sàng ứng phó các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng loại vật liệu đặc biệt này. Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) cũng được cho là có thể sẽ tham gia liên minh này.