Mỹ kêu gọi tăng sản xuất năng lượng, thúc đẩy phục hồi

NDO -

Theo các cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Washington sẽ thúc giục các nhà sản xuất năng lượng lớn của G20 tăng công suất nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, bảo đảm sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn.

Một trong những nhà máy điện khí tự nhiên lớn nhất châu Âu tại Đức. (Ảnh Reuters)
Một trong những nhà máy điện khí tự nhiên lớn nhất châu Âu tại Đức. (Ảnh Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được kỳ vọng sẽ đạt nhiều đồng thuận trong Hội nghị cấp cao G20 đang diễn ra tại thủ đô Rome của Italia.

Các nhà lãnh đạo G20 tích cực thảo luận về những nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 và thống nhất về một lực lượng đặc nhiệm mới để cải thiện khả năng phối hợp và lập kế hoạch ngăn chặn đại dịch tiếp theo nếu có xảy ra. Về kinh tế - thương mại, G20 cũng mong đợi sẽ thông qua một thỏa thuận được hơn 130 quốc gia ủng hộ nhằm thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu mới.

Tuy nhiên, nhiều thành viên G20 vẫn chia rẽ về vấn đề năng lượng. Mỹ bày tỏ lo ngại, với việc giá dầu và khí đốt tăng, một số nước sản xuất năng lượng như Nga và Saudi Arabia lại không thúc đẩy sản lượng đủ để đáp ứng nhu cầu tăng cao, nhất là trong bối cảnh các nước tái khởi động nền kinh tế sau đại dịch.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, các nhà lãnh đạo G20 sẽ không nhắm mục tiêu cụ thể vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hay đặt ra bất kỳ mục tiêu nào về sản xuất năng lượng.

Giá khí đốt tự nhiên tăng kỷ lục trong năm nay, nhất là tại châu Âu với mức tăng gần 600%, đẩy nhiều nước cận kề cuộc khủng hoảng về năng lượng.

Ủy ban châu Âu đã đưa ra một gói biện pháp nhằm làm chậm đà tăng giá khí đốt trong ngắn hạn, trong đó khuyến khích các quốc gia thành viên cắt giảm thuế và các khoản phụ thu vốn chiếm khoảng 30% hóa đơn năng lượng.

Tuy vậy, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chia rẽ về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng này. Tại cuộc họp hôm 26/10 của các bộ trưởng năng lượng EU bàn về cách đối phó tình trạng giá khí đốt tăng cao, 11 quốc gia đã bác đề xuất của Pháp và Tây Ban Nha về cải cách thị trường khí đốt.