Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ em như thế nào?

NDO -

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giới chuyên gia Mỹ đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần mà trẻ em nước này phải đối mặt. 

(Ảnh minh họa: AP)
(Ảnh minh họa: AP)

Theo cuộc phỏng vấn giáo viên, nhà quản lý, giới chức giáo dục và chuyên gia sức khỏe tâm thần, cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang diễn ra tại các trường học dưới hình thức các trường hợp trẻ em bị trầm cảm, lo âu, hoảng loạn, rối loạn ăn uống, đánh lộn và thậm chí có ý định tự tử đang ở mức báo động.  

Tại các khu vực có thu nhập thấp, cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần thậm chí còn gay gắt và nghiêm trọng hơn nữa. Nguyên nhân được cho là do sự thiếu hụt nhân viên trường học và các chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

Cấp cứu sức khỏe tâm thần cho trẻ em

Anh Luna-Herrera, người đang làm việc tại một khu vực nghèo ở Mojave Desert, bang California, là một trong số ít giáo viên của bang này tham gia khóa học "Cấp cứu sức khỏe tâm thần". Khóa học dạy người lớn biết cách phát hiện dấu hiệu báo động về nguy cơ đối với sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất có hại ở trẻ em cũng như cách ngăn chặn điều tồi tệ xảy ra. Sở Giáo dục California đang tài trợ chương trình này cho bất cứ học khu nào có lời đề nghị. 

"Cấp cứu sức khỏe tâm thần" giúp phân biệt các cách giải quyết căng thẳng điển hình của thanh thiếu niên như đóng sập cửa, khóc, tức giận... với các dấu hiệu cảnh báo sự đau đớn về tinh thần.

Khóa học hướng dẫn người lớn đặt những câu hỏi mở giúp duy trì cuộc trò chuyện với trẻ và không đặt bản thân vào các vấn đề của trẻ bằng những lời bình luận như: Con sẽ ổn thôi; câu chuyện không tệ như vậy đâu; tôi đã trải qua việc đó rồi; hãy cố bỏ qua đi. 

Theo các chuyên gia, chuyện dường như không quan trọng đối với người lớn lại có thể là vấn đề tác động mạnh đến thanh thiếu niên. Việc người lớn không nhận ra điều này có thể là tác nhân khiến cuộc trò chuyện với trẻ chấm dứt.   

Ngoài ra, khóa học còn dạy cách xử lý khủng hoảng: đó là rung hồi chuông cảnh báo, nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia và không để người đang có ý định tự tử ở lại một mình.

Anh Luna-Herrera tham gia khóa học vào mùa xuân năm 2021, và chỉ hai tuần sau, anh bắt đầu áp dụng những kiến thức được học vào thực tế. Đó là trong thời gian học từ xa, một học sinh đã bỏ học trực tuyến. Tuy nhiên, anh phát hiện cô bé đã trò chuyện trên nền tảng học từ xa của nhà trường. Điều đáng chú ý là cô bé đã tranh cãi nảy lửa với bạn trai. Sau đó, anh Luna-Herrera đã liên lạc riêng với cô bé. 

Mỹ -0

Thầy giáo Luna-Herrera đang trình chiếu video về sức khỏe tâm thần, tại Trường trung học cơ sở thành phố California, ngày 11/3. (Ảnh: AP)

"Tôi hỏi cô bé rằng em có ổn không", Luna-Herrera kể lại. Từng chút một, cô bé kể cho Luna-Herrera nghe về những mâu thuẫn giữa em và bạn trai, những vấn đề phát sinh ở nhà khiến em cảm thấy cô đơn và vô định. Nữ sinh 12 tuổi tâm sự với thầy giáo rằng cô bé đã nghĩ tới việc làm tổn thương bản thân. 

"Đó có phải là suy nghĩ cô bé thường nghĩ đến không?" anh tự hỏi bản thân và nhớ lại tim anh đã đập nhanh như thế nào khi cô bé tiết lộ kế hoạch tự sát của mình.

Trong lúc vẫn trò chuyện với cô bé, Luna-Herrera nhắn tin cho giám thị của nhà trường. Sau đó, giám thị gọi 911 và cảnh sát nhanh chóng có mặt tại nhà của cô bé. Họ đã nói chuyện với cô bé và mẹ của em. Người mẹ không hề hay biết về sự việc và vô cùng hoảng hốt sau khi nghe thông tin từ cảnh sát. Cô bé 12 tuổi đã được cứu sống như vậy. 

Đầu năm 2021, số ca trẻ em gái phải cấp cứu vì bị nghi có ý định tự tử, tăng 51%, trong khi số ca trẻ em trai tăng 4% so con số này cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tình trạng trẻ nhập viện vì rối loạn ăn uống, lo âu, căng thẳng cũng tăng gấp đôi trong cùng thời gian này.

Theo bà Monica Nepomuceno, người giám sát chương trình sức khỏe tâm thần của Sở Giáo dục California, bang lớn nhất nước Mỹ bắt đầu đề xuất khóa học "Cấp cứu sức khỏe tâm thần" từ năm 2014. Kể từ đó, hơn 8.000 giáo viên, nhà quản lý và nhân viên nhà trường đã tham gia khóa huấn luyện.

Đại dịch đã đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đưa những khóa học như "Cấp cứu sức khỏe tâm thần" trở thành nhu cầu tất yếu. Chương trình đào tạo này do Hội đồng quốc gia về sức khỏe tâm thần vận hành và đang có mặt tại tất cả các bang của nước Mỹ. 

Theo thượng nghị sĩ Anthony Portantino, tác giả của dự luật yêu cầu tất cả các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại bang California phải đào tạo về sức khỏe hành vi cho ít nhất 75% nhân viên, cho rằng: "Giáo viên và nhân viên trường học đang ở trên tuyến đầu của một cuộc khủng hoảng và họ cần được huấn luyện để phát hiện những học sinh đang có vấn đề".

Đại dịch - tác nhân làm trầm trọng cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần

Các chuyên gia cho biết, trong khi trầm cảm và lo âu ở trẻ em vốn đã gia tăng trong nhiều năm, sự căng thẳng và đau buồn không ngừng của đại dịch càng khiến các vấn đề lan rộng hơn, đặc biệt là đối với những em đã gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần - nhóm dân số đã bị cắt đứt liên lạc với chuyên gia tâm lý và các nguồn lực khác của trường học trong thời gian học từ xa. 

Bà Sharon Hoover, Giáo sư về bệnh tâm thần ở trẻ em và cũng là đồng Giám đốc của Trung tâm quốc gia về sức khỏe tâm thần học đường của Mỹ, nhận định, đối với trẻ em, các vấn đề về học từ xa không chỉ là vấn đề học thuật. 

Bà Hoover giải thích rằng tình trạng lạm dụng và bỏ mặc trẻ em đã gia tăng trong thời gian đại dịch hoành hành. Đối với những đứa trẻ sống trong những gia đình có vấn đề như cha mẹ nghiện rượu hoặc có hành vi ngược đại, học từ xa đồng nghĩa với việc các em không có lối thoát. Những đứa trẻ thiếu thiết bị công nghệ hoặc có kết nối internet không ổn định bị cô lập hơn so bạn bè cùng trang lứa và bị tụt lại nhiều hơn cả về mặt học tập và xã hội.  

Theo bài viết mới đây của hãng thông tấn AP, trở lại trường học sau những tháng giãn cách xã hội đã làm tăng lo âu đối với một số trẻ nhỏ. Nhiều giáo viên cho biết học sinh đang gặp khó khăn hơn trong việc tập trung và ngồi yên, nhiều em cần học lại cách kết nối xã hội và giải quyết mâu thuẫn trực diện sau thời gian dài ngồi trước màn hình.

Mỹ -0

Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở thành phố California đặt điện thoại di động của học sinh vào khu vực "Đồ thất lạc và tìm thấy" trước khi bắt đầu kỳ nghỉ mùa xuân, ngày 11/3. (Ảnh: AP)

Nhiều trẻ em đã hồi phục sau thời gian cách ly kéo dài, nhưng cũng có nhiều em khác cần có thêm thời gian. Các vấn đề sức khỏe tâm thần thường là tác nhân kích thích căng thẳng.

Trong thập kỷ qua, nhiều bang tại Mỹ đã yêu cầu đào tạo giáo viên về ngăn chặn các vụ tử tự. Và giờ đây, đại dịch đang thúc đẩy một số bang mở rộng phạm vi kiến thức của chương trình này như cung cấp thêm hiểu biết về sức khỏe tâm thần và hỗ trợ các nhu cầu về sức khỏe hành vi. 

Nhiều học khu tại Mỹ cho biết họ cần nhiều cố vấn và nhà tâm lý học hơn nữa. Chiến dịch Tương lai hy vọng - một liên minh các tổ chức về sức khỏe tâm thần quốc gia - tháng trước công bố một báo cáo cho thấy phần lớn các bang tại Mỹ đang gặp khó khăn trong hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho các trường học. Chỉ có bang Idaho và Đặc khu Columbia vượt tỷ lệ được khuyến nghị trên toàn quốc là 1 nhà tâm lý học chăm sóc 500 học sinh.

Cũng theo báo cáo nêu trên, tại một số bang, trong đó có West Virginia, Missouri, Texas và Georgia, tỷ lệ này là 1 nhà tâm lý học chăm sóc hơn 4.000 học sinh. Hiện chỉ có một số bang đạt được mức 1 nhà tâm lý/250 học sinh. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất khoản tài trợ liên bang trị giá 1 tỷ USD để giúp các trường học thuê thêm nhà tư vấn và nhà tâm lý học, đồng thời tăng cường các chương trình ngăn chặn hành vi tự tử để thúc đẩy nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần thời hậu Covid-19.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới